Hành trang lữ khách

Hãy đến miền đất bên dòng Thia của vùng Tây Bắc

Cập nhật: 23/04/2009 10:04:18
Số lần đọc: 2371
Có lẽ trong 4 mường làm nên đặc trưng về kinh tế - văn hoá vùng Tây Bắc mênh mông, trùng điệp của Tổ quốc là Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc, thì Mường Lò chính là nơi vẫn còn đậm chất nguyên sơ, thanh khiết nhất về nét văn hoá Thái đặc sắc vùng Tây Bắc.

Phong tục tập quán, sản xuất, nếp sống của cộng đồng dân cư có rất ít thay đổi và chưa phải chịu ảnh hưởng của kinh tế thị trường, sản xuất công nghiệp, đô thị hoá. Vậy nên, có dịp đến với Mường Lò du khách như đã được thưởng ngoạn nét đẹp vừa thuần mỹ, vừa hoành tráng của núi rừng Tây Bắc vừa được hoà chung với âm hưởng của một nét văn hoá truyền thống đặc sắc, có sức thu hút kỳ diệu làm say đắm lòng người.

 

Đến với Mường Lò vào dịp cuối Xuân, đầu Hạ, từ trên đỉnh đèo cao hơn nghìn mét từ Mù Cang Chải sang, Mường Lò hiện ra trong mắt chúng tôi như một bức tranh thuỷ mặc tuyệt mỹ. Dòng Thia như một nét vẽ xuất thần của "bút trời" tô điểm cho những con phố, làng bản, những cánh đồng lúa xuân đang thì con gái. Mùa này nước dòng Thia còn cạn, có nơi lộ rõ những bãi đá rất đẹp. Thấp thoáng bên sông cảnh cư dân quăng chài bắt cá, trồng rau, hái quả… Tất cả làm nên một Mường Lò bình yên và tinh khôi như vốn có từ bao đời nay.

 

Trong 4 Mường của Tây Bắc thì Mường Lò được xếp thứ nhì về diện tích (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc), vùng đất bên dòng Thia này là một đồng bằng thu nhỏ với diện tích hơn 29 km2 và là nơi quần tụ của gần 2,6 vạn dân, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. Mường Lò được xem như là một trung tâm phía Tây của tỉnh Yên Bái. Từ Mường Lò qua Tú Lệ - Mù Cang Chải đến Lai Châu theo Quốc lộ 32 và từ Mường Lò cũng dễ dàng đến T.P Yên Bái và các huyện khác do đường giao thông khá tốt. Vùng đất này được quyết định thành lập thị xã lần đầu vào năm 1971, là tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Lộ, đến năm 1975 trở thành thị trấn do biến động về đơn vị hành chính và năm 1995 được thành lập thị xã lần thứ 2 thuộc tỉnh Yên Bái sau khi chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn.

 

Đến Mường Lò, du khách không thể không đến thăm, dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Nhà sàn - nơi đồng bào Tây Bắc thờ Bác; dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tây Bắc và Tổ quốc tại Tượng đài Vitoria trên đồi Pú Chạng. Du khách cũng sẽ không quên đắm mình trong thoả thê, thư giãn bên suối nước nóng Cò Cọi hay thả bộ trên những con đường yên ả như một vùng quê đồng bằng Bắc bộ trong thung lũng, mê mẩn trên những con đường mòn rợp bóng cây và mùi hoa Ban đang nở rộ đầu hè…

 

Từ Mường Lò leo đèo khoảng 20 km du khách sẽ đến Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn. Đây được xem như Sapa thứ hai. Suối Giàng như một món quà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho miền biên viễn Tây Bắc này, bởi nơi đây có độ cao từ 1.500m- 1.800 m, khí hậu mát mẻ, trong lành và nhiều khi có tuyết rơi mùa đông. Suối Giàng có nhiều hương hoa, cỏ lạ, đặc biệt là cây Pơmu và chè tuyết. Tại đây cũng có nhiều đá màu, hoa văn đủ sắc mà qua tay các nghệ nhân làm nên những tác phẩm nghệ thuật hoặc những đồ dùng rất giá trị như tranh, bàn ghế, tủ …Đặc biệt chè tuyết Suối Giàng là sản phẩm nổi tiếng, như là một biểu tượng của vùng đất này. Chè Suối Giàng theo nhiều nghiên cứu cho thấy là loại chè có chất lượng đặc biệt, rất tốt cho sức khoẻ và bảo vệ cơ thể con người trước bệnh tật. Nơi đây có những cây chè tuổi thọ hàng trăm năm. Chè Suối Giàng theo nhiều tư liệu nghiên cứu có thể ngang bằng hoặc còn tốt hơn các loại chè quý của vùng Tây Tạng, Vân Nam (Trung Quốc). Suối Giàng theo cảm nhận của chúng tôi như là một cô tiên còn đang ngủ, đang chờ một hoàng tử đến đánh thức. Vậy nên vẻ đẹp kiêu sa, tiềm năng độc đáo và to lớn của Suối Giàng, của Mường Lò chưa được khai thác tương xứng để nơi đây trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, văn hoá chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng đất còn nhiều gian khó này.

 

Mường Lò về đêm lại cho ta một cảm giác thật êm ả, phiêu bồng. Trong men rượu chắt từ ngô lúa của lòng đất Mường Lò, trong ánh hồng của lửa bập bùng, trong ánh mắt đằm thắm của em gái Thái chưa Tằng cẩu (chưa lấy chồng), mọi người đắm mình trong vòng xòe, trong tiếng nhạc, tiếng trống và tiếng hát. Đêm xòe Mường Lò rất đặc sắc, phong phú với nhiều tiết mục văn hoá, văn nghệ và thưởng thức nét văn hoá ẩm thực Tây Bắc, nét văn  hoá ấy chính là bản sắc văn hoá vùng Tây Bắc, văn hoá Thái luôn được bảo tồn trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

 

Ẩm thực đãi khách trong đêm xòe rất đặc sắc với nhiều món lạ và ngon như: cá nướng, thịt trâu xôi, thịt gà xôi, măng chua héo, đặc biệt là món nộm hoa Ban và món rêu đá.  Nộm hoa Ban chính là ẩm thực đặc trưng được kết tinh từ những gì tinh tuý nhất của đất trời Tây Bắc, còn tương truyền món rêu đá được hình thành từ một câu chuyện tình yêu chung thuỷ của người con gái Thái với người mình yêu bị sát hại đã trẫm mình xuống dòng Thia để bảo toàn tiết hạnh.

 

Trong đêm xòe, lời bài ca mà các em gái Thái thường hát tặng du khách đến với Mường Lò như đã thành lệ, thành câu mời, lời gọi, lời nhắn nhủ mà chúng tôi không thể quên là:

 

 " Chiều mùa thu nắng vàng như mật

  Khi đã qua đèo Ách, cửa Nhì

  Khi đã từng nghe rừng gió hút

  Anh có vào Nghĩa Lộ với em không ?"…

 

Rồi đắm say hơn, da diết hơn với lời hát:

" Kìa nước ngòi Thia lời yêu còn đó

  Xống chụ xôn xao thêm vần, thêm điệu

  Nhìn núi Hoàng Liên mây trắng ngang trời

Suối Giàng vẫn xanh xanh bầu trời Yên Bái"…

 

Nét văn hoá ấy, tấm lòng nồng hậu, mến khách ấy đã làm nên một sức hút kỳ lạ mà mỗi ai đến với vùng đất này cảm nhận được. Và trong tâm khảm mỗi du khách sẽ còn đọng mãi những dấu ấn tốt đẹp về vùng đất này với lời hẹn gặp: Anh sẽ vào Nghĩa Lộ với em.

 

Mường Lò, vùng đất xa xôi miền biên viễn Tây Bắc của Tổ quốc với du khách như vẫn còn nguyên sơ đến độ tinh khôi, nơi đây còn chứa đựng nhiều bí ẩn về một nền văn hoá, một dấu tích sự phát triển của cộng đồng cư dân, những danh lam, thắng cảnh chưa được khám phá. Đó là sức hấp dẫn của Mường Lò - miền đất bên dòng Thia đang mời gọi.
Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục