Hoạt động của ngành

Hoài Nhơn (Bình Định) nỗ lực phát triển du lịch

Cập nhật: 13/03/2017 10:27:40
Số lần đọc: 1370
Tuy Hoài Nhơn đang tìm hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch (DL) nhằm phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, song sản vật Hoài Nhơn đã góp phần phát triển DL Bình Ðịnh từ nhiều năm trước; đặc sản truyền thống Hoài Nhơn như bánh tráng nước dừa, bánh hồng, dầu dừa tinh khiết… được du khách rất ưa chuộng.


Khảo sát DL tại làng nghề tráng bánh tráng nước dừa và sản xuất bún số 8 ở xã Tam Quan Nam.  Ảnh: Nguyên Vũ

Nhiều tiềm năng

Huyện Hoài Nhơn là cửa ngõ phía bắc tỉnh, cách TP Quy Nhơn 90 km. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện khá đồng bộ, gắn với quốc lộ 1 A, ga tàu lửa Bồng Sơn; tỉnh lộ 629 về phía Tây, tỉnh lộ 639 phía đông, cửa biển Tam Quan Bắc. Về lưu trú, trên địa bàn huyện hiện có 16 khách sạn, 39 nhà nghỉ…

Hoài Nhơn có tài nguyên DL tự nhiên phong phú và đa dạng. Chạy suốt phía đông huyện là bờ biển dài 24 km với nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ như: Thiện Chánh, Lộ Diêu, Bãi Con, Tăng Long, Cửu Lợi… Hệ thống rừng núi, hồ nước phía tây bắc huyện có cảnh quan kỳ vĩ, thơ mộng, như Suối Vàng, Núi Chúa, La Vuông (Hoài Sơn); hồ chứa nước Mỹ Bình, Đá Bàn (Hoài Phú). Đặc biệt là thổ nhưỡng đất cát ven biển thuận lợi phát triển cây dừa, loại cây trồng tạo nên cảnh quan và những sản vật đặc trưng của Hoài Nhơn, làm nên tên tuổi “xứ dừa”, gắn với câu ca dao quen thuộc và nổi tiếng cả nước: “Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”.

Về tài nguyên nhân văn, Hoài Nhơn là đất “phát tích” của danh nhân văn hóa Đào Duy Từ. Nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc được cộng đồng dân cư lưu giữ đến ngày nay, như hội đánh bài chòi dân gian, hát múa bả trạo, trò chơi cổ nhơn; lễ hội cầu ngư, lễ giỗ tổ nghề dệt chiếu. Các di tích kháng chiến như: Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (Tam Quan Nam), Đồi 10 (Hoài Châu Bắc), Chợ Cát (Hoài Hảo), Cây số 7 Tài Lương (Hoài Thanh Tây), di tích tàu không số bãi biển Lộ Diêu (Hoài Mỹ)…

Các làng nghề truyền thống: làng chiếu cói Chương Hòa; bánh tráng nước dừa và bún số 8 Tam Quan Nam, nghề thảm xơ dừa, làng nghề chế biến nước mắm…; cùng với đặc sản ẩm thực đa dạng: Bánh tráng nước dừa, bún số 8, bánh hồng, bún dây, dầu dừa tinh khiết, các loại mắm, các loại khô hải sản.

Qua khảo sát thực tế, các chuyên gia DL và đại diện các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đều thống nhất tài nguyên DL của Hoài Nhơn có thể đưa vào khai thác DL, với các loại hình: nghỉ dưỡng, tắm biển; văn hóa - lịch sử, tham quan làng nghề, ẩm thực…

Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty DL Miền Trung, cho rằng: Tại làng nghề sản xuất bún số 8 và bánh tráng nước dừa nằm dưới những vườn dừa bạt ngàn thuộc thôn Tăng Long 1, xã Tam Quan Nam, có thể phát triển loại hình DL homestay. Khung cảnh làng quê yên ả, thanh bình, rợp bóng dừa xanh, người dân địa phương chất phác, cần cù, mến khách; trong bán kính chưa đầy 10 km, du khách có nhiều trải nghiệm: tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon; tham quan làng nghề bún, bánh; làng nghề sản xuất chiếu cói; chế biến hải sản; các cơ sở chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dừa; các cơ sở đóng tàu cá; cảng cá Tam Quan Bắc luôn nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, đặc biệt là hoạt động mua bán, sơ chế cá ngừ đại dương tại đây… sẽ rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. 

Bên cạnh những thuận lợi, Hoài Nhơn cũng còn nhiều hạn chế trong phát triển DL. Hạ tầng giao thông đến một số điểm DL biển còn khó khăn; đường vào một số làng nghề còn nhỏ hẹp. Hệ thống lưu trú, nhà hàng quy mô còn nhỏ. Hoạt động phát triển DL còn mang tính tự phát, chưa được chuyên nghiệp, bài bản. Huyện chưa xây dựng quy hoạch đất dành cho phát triển DL; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển DL trên địa bàn…

Nỗ lực phát triển

Ngoài tiềm năng, thế mạnh về DL, Hoài Nhơn còn có lợi thế là tỉnh đã bổ sung cụm DL Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão vào quy hoạch tổng thể phát triển DL tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2410/QÐ-UBND ngày 23.6.2016. Đặc biệt là quy hoạch trục xuyên suốt từ sân bay Phù Cát qua Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão; lấy Hoài Nhơn làm trung tâm, tùy đặc điểm cụ thể của từng địa phương để phát triển các sản phẩm DL nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực, làng nghề; DL sinh thái núi rừng, trải nghiệm văn hóa các dân tộc miền núi kết hợp DL khám phá, mạo hiểm. Như vậy,  liên kết 4 huyện là yếu tố cần thiết để bổ sung thế mạnh của các địa phương trong phát triển các tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ DL, trong đó Hoài Nhơn có nhiều lợi thế.

Tuy vậy, để phát triển DL như mong muốn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn: Huyện sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá tài nguyên DL, trên cơ sở đó định hướng quy hoạch các điểm đến, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư khai thác, phát triển DL. Hình thành và kết nối các điểm đến của huyện trong các tour, tuyến DL của các DN lữ hành trong và ngoài tỉnh. Chuẩn bị nguồn nhân lực DL. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên DL; giữ gìn vệ sinh môi trường, hệ sinh thái ven biển; xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự và phát huy truyền thống hiếu khách của nhân dân địa phương…

Qua quy hoạch phát triển DL cụm 4 huyện phía bắc tỉnh, bước đầu huyện Hoài Nhơn sẽ tập trung khai thác các loại hình DL sinh thái biển đảo, DL sinh thái vườn dừa và làng nghề, DL văn hóa, lịch sử cách mạng… Hình thành một số điểm DL biển dọc theo tuyến ĐT 639: Thiện Chánh, Cửu Lợi Bắc, gành Diêu Quang, Lộ Diêu, gắn với tìm hiểu đời sống, sản xuất, phong tục tập quán của người dân địa phương…

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục