Hoạt động của ngành

Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương) - Vùng đất lịch sử, danh thắng và lễ hội

Cập nhật: 13/09/2016 14:03:34
Số lần đọc: 1442
Ngoài những giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là miền đất có cảnh quan thiên nhiên, lễ hội đặc sắc, hấp dẫn làm say đắm lòng người...

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là quần thể di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Nơi đây đã gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.

 

Khu di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn - Yên Tử - Quỳnh Lâm); Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng (địa phận 2 xã Cộng Hòa và Văn An) và núi Rùa (phía Tây bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng với sông núi huyện Chí Linh.

 

Đây là vùng đất lịch sử mãi còn âm vang những chiến công lẫy lừng qua nhiều thời đại, đặc biệt là trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ 15. Đây cũng là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính.

 

Ở đây, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc, chạm khắc, qua các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối; qua văn hóa Lý-Trần, Lê-Nguyễn và ở các tầng văn hóa dưới lòng đất khi khai quật khảo cổ học.

Không chỉ gắn với các dấu ấn lịch sử, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan kỳ thú; hội tụ nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ…

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc

Đã thành thông lệ, hàng năm, từ ngày 15 - 20/8 âm lịch, tỉnh Hải Dương lại long trọng tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đây là lễ hội truyền thống như một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Hải Dương, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách nhiều tỉnh, thành lân cận như: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… về dự hội.


Năn nay, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 sẽ diễn ra từ 15 đến 20/9 (tức 15 đến 20/8 âm lịch) với nhiều hoạt động nghi lễ, văn hóa, thể thao để tưởng niệm 716 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, 574 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Theo kế hoạch, lễ khai ấn và ban ấn sẽ diễn ra vào lúc 23 giờ ngày 16/9 (tức 1/8 âm lịch), tại thượng điện đền Kiếp Bạc. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chuẩn bị gần 40.000 phôi ấn, tăng 25% so với năm ngoái. Ban tổ chức cũng bố trí khoảng 500 người để bảo đảm an toàn tại 4 bàn phát ấn, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy.

 

Nét riêng đặc sắc của phần lễ năm nay là Lễ rước bộ và Hội quân trên sông Lục Đầu, con sông chảy ngang qua đền Kiếp Bạc. Trên chính dòng sông này, cách đây hơn bảy thế kỷ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng tướng sĩ hội quân luyện tập chống quân xâm lược Nguyên Mông. Khung cảnh lễ hội quân tưng bừng sẽ được tái hiện hoành tráng trong khoảng không gian rộng, cả trên bờ và dưới lòng sông, cùng nhau biểu diễn tái hiện hào khí Đông A của quân dân nhà Trần. Trên khán đài được dựng ngay trên bãi sông, các đội múa lân, múa rồng, múa võ, múa gậy… có những bài biểu diễn tưng bừng, đẹp mắt trong tiếng trống hội rộn rã.

 

Lễ cầu an và hội hoa đăng trên dòng sông Lục Đầu cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay với hàng trăm chiếc đèn hoa được thả. Tham dự những nghi lễ này, du khách không chỉ được sống trong bầu không khí thiêng liêng, tưởng nhớ tới người đã khuất, cầu mong cho cuộc sống hiện tại bình an; mà còn khơi dậy niềm tự hào, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng xây và giữ nước.

Phần hội năm nay có nhiều trò chơi dân gian: Múa rối nước, kéo co, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, đi cầu khỉ, nhảy bao bố… và các màn biểu diễn nghệ thuật dân gian như: hát chèo, quan họ, ca, múa, nhạc… Tại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tổ chức liên hoan múa rối nước Hải Dương lần thứ sáu cùng giải đua thuyền chải tỉnh Hải Dương.

Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước; xuân, thu nhị kỳ đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại và trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn./.

 

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục