Hoạt động của ngành

Để du lịch Tuyên Quang “cất cánh”

Cập nhật: 07/09/2016 09:16:47
Số lần đọc: 974
Từ ngày 9 - 11/9, tại thành phố Tuyên Quang sẽ diễn ra Lễ hội Thành Tuyên 2016 và Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như Đêm hội Thành Tuyên; cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên; Ẩm thực các dân tộc vùng núi phía bắc và Lễ hội bia Hà Nội; Triển lãm hình ảnh, hiện vật các dân tộc Việt Bắc; Giải quần vợt cúp Tân Trào mở rộng; Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian và ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc... Chương trình nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về mảnh đất, con người xứ Tuyên; góp phần tăng cường kết nối du lịch sáu tỉnh Việt Bắc.


Rước mô hình đèn trung thu khổng lồ trong Lễ hội Thành Tuyên

Lễ hội Thành Tuyên - nét văn hóa đặc sắc

Đã hơn 10 năm nay, cứ vào dịp rằm tháng Tám, nhiều hộ dân ở thành phố Tuyên Quang lại đóng góp công sức, kinh phí để làm các mô hình đèn Trung thu khổng lồ chung rước. Các mô hình được mô phỏng theo truyện cổ tích, dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân vừa mang tính truyền thống xen lẫn hiện đại. Nguyên liệu chủ yếu bằng tre, nứa và những vật liệu sẵn có ở địa phương, có ứng dụng thêm khoa học công nghệ để thêm phong phú, sinh động. Ý tưởng chủ đạo là những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn như tích Cá chép trông trăng, Cá chép hóa rồng, Tấm Cám; truyền thuyết lịch sử tái hiện chân dung các vị anh hùng dân tộc, như: Thánh Gióng, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đặc biệt, những năm gần đây, còn có thêm hình ảnh cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, chùa Một Cột, cột mốc chủ quyền, chủ đề về biển, đảo... thể hiện sự đa dạng, phong phú đời sống xã hội; khi rước trên đường phố thu hút hàng nghìn lượt người dân địa phương và du khách về chiêm ngưỡng; tạo nên một “thương hiệu” Trung thu Tuyên Quang độc đáo. Các mô hình phần lớn được thiết kế động, có sử dụng ánh sáng để tạo hình khối rất đẹp mắt. Mỗi mô hình mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, gửi gắm một thông điệp mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các cháu thiếu nhi. Không chỉ xã hội hóa để làm mô hình đèn Trung thu, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm còn đóng góp tiền giải thưởng.

Theo nguyện vọng của nhân dân, từ năm 2014, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, thu hút hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước; được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc góp phần đưa lễ hội không chỉ còn là của riêng con trẻ và người dân xứ Tuyên, mà đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách thập phương.

"Qua những miền di sản Việt Bắc" kết nối phát triển du lịch

Năm 2010, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” (gồm sáu tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên) hình thành; với mục đích liên kết để tìm các giải pháp tối ưu khai thác hợp lý tài nguyên du lịch sẵn có, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm có tính liên vùng để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc. Chương trình có quy mô cấp khu vực, được tổ chức đăng cai luân phiên mỗi tỉnh một năm với những cách thức tổ chức, quảng bá riêng; tạo ra hiệu ứng tích cực. Kể từ khi triển khai thực hiện, hoạt động du lịch ở các địa phương đã có những khởi sắc đáng kể. Lượng khách đến các tỉnh tăng trưởng trung bình đạt 14%/năm, góp phần tăng nguồn đóng góp vào GDP mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Hình ảnh du lịch Việt Bắc đã dần dần được nhiều người biết đến.

Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Theo đó, ngày 09/9, khai mạc Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2016; ngày 10/9 tổ chức Đêm hội Thành Tuyên; ngày 11/9 diễn ra Chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên. Trong chương trình còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, hấp dẫn nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về mảnh đất, con người xứ Tuyên, đồng thời góp phần tăng cường kết nối du lịch sáu tỉnh Việt Bắc.

Những giải pháp cần đẩy mạnh

Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng như, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, Kim Bình... Tuyên Quang còn là nơi hội tụ và giao thoa những sắc thái văn hóa của các dân tộc miền núi phía bắc; nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa, điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; từ đó nhiều chương trình, dự án đầu tư vào hạ tầng được thực hiện, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có ba khu du lịch và sáu điểm du lịch chính: Khu du lịch lịch sử văn hóa bao gồm toàn bộ các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và các di tích lịch sử phụ cận. Khu du lịch nghỉ dưỡng bao gồm thành phố Tuyên Quang, khu suối khoáng Mỹ Lâm và khu du lịch sinh thái bao gồm rừng nguyên sinh Na Hang, Thượng Lâm, hồ thủy điện Tuyên Quang.

Nếu như năm 2010, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang mới đạt 530.000 lượt khách, thì đến năm 2015 đã thu hút hơn 1,3 triệu lượt khách, tăng 29%. Doanh thu xã hội về du lịch từ 500 tỷ đồng năm 2010 tăng lên 1.125 tỷ đồng năm 2015, chiếm hơn 5% tổng GDP toàn tỉnh.

Tuy nhiên, phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đó là tiến độ quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch còn chậm, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật quy mô còn nhỏ, thiếu đồng bộ, chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu; việc xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch là thế mạnh của tỉnh còn thiếu tính sáng tạo, sức hấp dẫn chưa cao, chưa tạo dựng được thương hiệu; công tác xúc tiến, quảng bá thiếu tính chuyên nghiệp; công tác liên kết, phát triển du lịch chưa tạo được sự đột phá. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào du lịch chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực du lịch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; việc huy động các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân tham gia hoạt động du lịch chưa đạt hiệu quả cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá với mục tiêu đến năm 2020 thu hút 1,7 triệu lượt khách, tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động trong ngành. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu; thu hút doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, cộng đồng; củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Bên cạnh đó phấn đấu xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia; từng bước xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp; xây dựng Công viên địa chất Na Hang - Lâm Bình trở thành Công viên địa chất Quốc gia; Lễ hội Thành Tuyên trở thành Festival quốc tế; hoàn thành Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh, như: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, các lễ hội Thành Tuyên, Động Tiên, rước Mẫu đền Hạ... Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước; nâng cao tay nghề cho lao động làm việc trong ngành du lịch và hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân.

Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư du lịch, tập trung mời gọi các doanh nghiệp đủ tiềm lực để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, các khu nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí, thương mại - dịch vụ cao cấp. Chủ động liên kết và hợp tác phát triển du lịch, kết nối các tour, tuyến du lịch trong vùng; tổ chức các sự kiện liên vùng, đặc biệt là Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, kết nối du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,...

Nguồn: nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục