Hoạt động của ngành

Phú Thọ ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020

Cập nhật: 25/07/2016 08:20:42
Số lần đọc: 1342
(TITC) – Ngày 15/7/2016, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020.

Lễ hội đền Hùng thu hút đông đảo du khách thập phương về dự

Trong 5 năm qua (2011 – 2015), du lịch Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cơ bản hình thành được một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch đặc trưng của tỉnh như: Du lịch nghỉ dưỡng; Du lịch sinh thái – danh thắng; Du lịch văn hóa tâm linh gắn với di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ. 

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh được triển khai tích cực, hướng vào trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Phú Thọ tới du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó là việc tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư du lịch trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy du lịch phát triển. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch được tăng cường, tổ chức bộ máy về du lịch bước đầu được củng cố, kiện toàn.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân khách lưu trú du lịch đạt 17,5%/năm, doanh thu du lịch dịch vụ khách sạn, nhà hàng tăng 17,5%/năm. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 11.600 lao động trong ngành du lịch, dịch vụ; có 265 cơ sở lưu trú du lịch với trên 3.400 phòng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn còn chậm; Nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch chưa đáp ứng với yêu cầu; Chưa tạo ra các sản phẩm du lịch có sức thu hút hấp dẫn khách du lịch; Đội ngũ cán bộ quản lý và lao động trong ngành du lịch vẫn còn yếu và thiếu…

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Phú Thọ định hướng tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có của tỉnh, đặc biệt là 2 di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh. Cùng với đó, khai thác nguồn nước khoáng nóng, hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả cao, gắn với lợi ích cộng đồng cư dân tại các khu, điểm du lịch.

Đồng thời huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là Việt Trì, Thanh Thủy, Tân Sơn và Hạ Hòa, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng và đủ điều kiện để đăng cai Năm Du lịch quốc gia vào năm 2020.

Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2020, số lượt khách lưu trú đạt 680.000 lượt, trong đó khách quốc tế lưu trú đạt 8.000 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 3.800 tỷ đồng; thu hút và giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 4.000 lao động trực tiếp.

Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Cụ thể, tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch, tạo điều kiện thu hút triển khai một số dự án trọng điểm về du lịch; Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển du lịch; Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, hình thành và khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch phục vụ khách; Đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch dịch vụ; Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch; Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường lành mạnh trong phát triển du lịch dịch vụ; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phát triển du lịch và sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch.

Hương Lê

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục