Hoạt động của ngành

Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng): Tổ chức tọa đàm góp ý chỉnh lý trưng bày

Cập nhật: 17/11/2015 08:12:52
Số lần đọc: 1041
Sở VH-TT& DL TP Đà Nẵng vừa tổ chức buổi tọa đàm góp ý đề cương chỉnh lý trưng bày Bảo tàng điêu khắc Chăm, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đều cho rằng Bảo tàng Điêu khắc Chăm cần phải chỉnh lý trưng bày, tuy nhiên phải nghiên cứu sắp xếp, phân bố các không gian chức năng, lộ trình tham quan thật khoa học nhằm thu hút khách tham quan, phát triển du lịch.

Theo thông tin đưa ra tại buổi tọa đàm, qua 100 năm tồn tại, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần chỉnh sửa và tu bổ. Trong đó, việc trưng bày các hiện vật tồn tại nhiều nhược điểm như: hiện vật gắn vào tường và nền, hình thức của bục bề và cách chiếu sáng không đồng bộ ở các phòng trưng bày, chưa làm nổi bật vẻ đẹp của hiện vật, nội dung trưng bày còn đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách…

Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, cơ quan này cũng đã có đề cương chỉnh lý trưng bày, theo đó sẽ sắp xếp lại các không gian chức năng của bảo tàng và lộ trình tham quan hợp lý, đảm bảo điều kiện làm việc, hoạt động trưng bày, tổ chức các sự kiện, khai thác và phục vụ du khách tham quan du lịch, phục vụ tốt công tác nghiên cứu và học tập của các cá nhân hay tổ chức. Bên cạnh đó, việc chỉnh lý trưng bày lần này sẽ tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm của các bảo tàng trên thế giới.

Được xây dựng từ năm 1915 và khánh thành đầu năm 1919, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa.

Theo ý tưởng của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (L École francais d Éxtrême - Orient, viết tắt là EFEO), các hiện vật được phân loại để trưng bày theo nguồn gốc địa điểm nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật. Gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong bảo tàng, được phân chia thành các phòng trưng bày: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kom Tum. 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật hiện đang lưu giữ trong kho.

Năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tiến hành đăng ký các hiện vật đề nghị là Bảo vật Quốc gia. Hội đồng thẩm định Bảo vật Quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xét chọn 03 hiện vật Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Bồ tát Tara là Bảo vật Quốc gia trong đợt đầu tiên.

Từ 1/1/2012, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xếp hạng là Bảo tàng hạng 1. (Cả nước chỉ có 12 bảo tàng được xếp hạng 1)./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục