Hoạt động của ngành

Du lịch Hội An (Quảng Nam) gắn với phát triển thương hiệu làng nghề

Cập nhật: 12/11/2015 07:57:06
Số lần đọc: 1312
Những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng có nhiều khởi sắc và phát triển. Đóng góp chung vào thành quả đó có vai trò không nhỏ của các làng nghề truyền thống. Mặt khác, du lịch phát triển cũng chính là môi trường thuận lợi để các làng nghề “sống dậy” và từng bước khẳng định thương hiệu.


Du khách rất thích thú khi được các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà
 dạy cách làm gốm

Khoảng hơn 10 năm trước đây, khi đến với Hội An, du khách chỉ quẩn quanh với khu phố cổ. Rất nhiều làng nghề truyền thống của địa phương này tuy ít nhiều được nhắc đến nhưng du khách vẫn không mặn mà nên không mấy người ghé thăm.

Tuy nhiên, xuất phát từ định hướng phát triển du lịch trải nghiệm của UBND thành phố Hội An, dần từng bước các làng nghề truyền thống như: Gốm Thanh Hà, Mộc Kim Bồng, Rau Trà Quế, Đèn lồng Phố Hội, Chiếu Cẩm Thanh… được Thành phố đầu tư, khôi phục và bước đầu đã lấy lại thương hiệu, thu hút du khách đến ngày càng đông.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Du lịch Hội An, sự khởi sắc của du lịch Hội An có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, để du lịch thực sự phát triển bền vững, bản thân ngành Du lịch Hội An phải phát huy hết mọi tiềm năng, thế mạnh, trong đó vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống… là hết sức quan trọng.

Đặc biệt, từ khoảng sau năm 2000, khi mô hình du lịch trải nghiệm tại Hội An ra đời và phát triển cũng chính là thời điểm các làng nghề truyền thống “sống dậy”. Thông qua hoạt động du lịch, sản phẩm của nhiều làng nghề trên địa bàn Thành phố không chỉ được biết đến rộng rãi mà còn giúp người dân sống tốt với nghề. Ngược lại, muốn giữ chân du khách tiếp tục quay lại hoặc thu hút thêm du khách, sản phẩm làm ra tại các làng nghề cũng ngày càng đa dạng, mẫu mã được cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị hiếu du khách.

Tại làng gốm Thanh Hà, từ khoảng 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, nơi đây đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan và mua sắm. Riêng năm 2014, giá trị kinh tế từ du lịch mang lại cho làng đạt khoảng 1,1 tỷ đồng, mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân, góp phần tích cực hồi sinh làng nghề vốn một thời tưởng như đã bị mai một. Đặc biệt, bên cạnh duy trì những sản phẩm truyền thống như: Nồi đất, om đất, lu đất, gạch, ngói…, nhiều sản phẩm lưu niệm gọn nhẹ, tinh xảo cho du lịch như: Các hình tò he, ấm tách, tượng gốm, bình gốm, đèn gốm… cũng đã được người dân sản xuất hoặc cải tiến mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu của khách.

Trong khi đó, tại làng rau Trà Quế và mộc Kim Bồng, sự đổi thay cũng thể hiện rõ nét từ khi gắn với du lịch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng số khách đến tham quan làng rau Trà Quế ước đạt khoảng 16.600 khách, doanh thu trên 300 triệu đồng. Du lịch phát triển ngoài mang đến nguồn thu, nâng cao thương hiệu làng nghề còn góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức người dân, khơi dậy niềm tự hào về các giá trị văn hóa lịch sử của làng. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy ở một số làng nghề khác như: Lồng đèn Phố Hội, chiếu Cẩm Thanh…

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và Du lịch Hội An, điều đáng mừng là đến hiện nay, hầu hết các làng nghề truyền thống và người dân làm các nghề này tại Hội An cũng đã nhận thấy việc giữ nghề là trước hết phải làm cho sản phẩm của nghề, của làng nghề vừa mang đậm hồn cốt của làng, song cũng phải phong phú, đa dạng về mẫu mã, sản phẩm, đáp ứng được thị hiếu của người tham quan, mua sắm.

Chứng minh cho thêm những nhận định trên, ông Nguyễn Lành - một nghệ nhân lâu năm của làng gốm Thanh Hà chia sẻ: Làng gốm Thanh Hà nói chung và lò gốm của ông muốn “đỏ lửa” phải có khách. Khách ở đây không chỉ là du khách đến tham quan mua sắm mà họ còn đến để được giới thiệu, thậm chí còn được chỉ cho học nghề, làm nghề. Bên cạnh đó, nhiều lò gốm còn có một lượng bạn hàng ở nước ngoài về đặt hàng mang đi. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm gốm Thanh Hà đã xuất khẩu ra nước ngoài.
 
“Trong khi đó, sản phẩm của chúng tôi cũng bị áp lực của thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, nhờ tay nghề vững, khéo léo của nghệ nhân và biết làm du lịch, chúng tôi đã tranh thủ được một kênh thông tin quan trọng là thông qua du lịch để quảng bá, giới thiệu về làng nghề; đồng thời, cũng nhờ du lịch mà chúng tôi có một lượng khách hàng khá lớn, qua đó giúp chúng tôi giữ nghề và sống được với nghề. Chúng tôi rất tự hào về thương hiệu của gốm Thanh Hà và luôn gìn giữ, phát huy để thương hiệu gốm Thanh Hà ngày càng phát triển trên thương trường” - ông Nguyễn Lành chia sẻ.

Cũng giống như làng gốm Thanh Hà, tại làng mộc Kim Bồng, từ năm 2004, thông qua chương trình xoá đói giảm nghèo do Liên hợp quốc tài trợ, làng mộc Kim Bồng đã được hưởng lợi từ một dự án du lịch cộng đồng. Cùng với chương trình hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Thành phố Hội An cũng đã đầu tư khôi phục, phát triển nhiều hạng mục hạ tầng làng nghề như: Nhà xưởng sản xuất, Trung tâm đón tiếp, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các chương trình tuor tuyến phục vụ khách tham quan …. Đặc biệt, Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch Kim Bồng (HTX) cũng được thành lập nhằm điều hành hoạt động du lịch, dịch vụ nơi đây. Trong những năm qua, tốc độ phát triển du lịch của làng tăng bình quân hàng năm hơn 100%. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm, tổng số du khách đã đạt con số từ trên 20 ngàn lượt đến gần 30 ngàn lượt.

Khẳng định về sự chuyển biến của du lịch Quảng Nam thời gian gần đây, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Phát triển du lịch bền vững đã trở thành mục tiêu hướng đến của ngành Du lịch Quảng Nam cũng như các địa phương nhằm không chỉ giải quyết những vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội mà còn giúp bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa, làng nghề. Thực tế trong vài năm gần đây, du lịch làng nghề đang trở thành một trong những loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút khá nhiều sự quan tâm của du khách tại mỗi điểm đến. Bản thân mỗi người dân của làng nghề truyền thống cũng đã nhận thấy muốn giữ nghề, phát triển nghề thì phải biết làm du lịch, và điểm đầu tiên của việc làm du lịch là đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, mua sắm của du khách. Muốn làm tốt điều này, không có con đường nào khác là phải không ngừng cải tiến, đa dạng mẫu mã sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu của làng nghề, của nghề. Hội An đã và đang làm rất tốt công tác này./.
Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục