Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Cập nhật: 09/11/2015 10:24:19
Số lần đọc: 1076
Ninh Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cùng các di tích lịch sử, văn hóa. Xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch.

Đặc biệt, ngày 13/7/2009, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Với sự quan tâm đầu tư đúng hướng của tỉnh và những nỗ lực trong xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của các ngành, địa phương, đơn vị, những năm qua lượng khách về tham quan, thưởng ngoạn tại các khu, điểm du lịch tại Ninh Bình không ngừng tăng, nhất là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới.

Lượng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2010-2014 tăng trưởng bình quân 8,9%/năm, doanh thu tăng trưởng bình quân 14,5%/năm. Riêng 9 tháng đầu năm nay, Ninh Bình đã thu hút được 5 triệu 174,1 nghìn lượt du khách, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt 1.188,5 tỷ đồng, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đó khẳng định, du lịch tỉnh nhà đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian qua lượt khách đến Ninh Bình đông nhưng lượng khách lưu trú ít, thời gian lưu trú ngắn; các cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu kinh doanh 2 dịch vụ cơ bản là ăn và nghỉ, các dịch vụ bổ sung chưa được quan tâm. Ninh Bình còn thiếu các khu vui chơi giải trí, mua sắm nhất là các khu vui chơi giải trí, mua sắm về đêm; nhân lực tham gia làm dịch vụ du lịch chưa chuyên nghiệp. Do đó, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập; công tác quản lý Nhà nước về du lịch có mặt còn hạn chế…

Để khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh, tận dụng các cơ hội thuận lợi trong nước và quốc tế, du lịch Ninh Bình cần có những chính sách và giải pháp khắc phục những hạn chế; đồng thời tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển du lịch. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã dành thời gian để bàn về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo bước chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đại hội đã thông qua 15 mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có mục tiêu doanh thu du lịch đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 3.000 tỷ đồng. Phát triển du lịch cũng là một trong 7 chương trình trọng tâm đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI xác định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo cho du lịch Ninh Bình phát triển theo hướng bền vững. Trước hết, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển du lịch Ninh Bình và thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch, đồng thời quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển du lịch sau khi được phê duyệt. Thông qua việc thực hiện các quy hoạch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch Ninh Bình.

Cùng với đó, tập trung thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan tìm hiểu văn hóa, tập quán của địa phương, phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh.

Xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất một số mặt hàng lưu niệm của tỉnh nhất là sản phẩm cói, đá mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ,…để phục vụ khách du lịch. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí động lực của ngành du lịch trong nền kinh tế. Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở các cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông có uy tín trong nước và quốc tế. Xây dựng nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 92/NQ-CP, ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Việc phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ góp phần quan trọng đưa kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, đồng thời góp phần đưa hình ảnh và vị thế của Ninh Bình vươn xa, để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế khi về với Ninh Bình./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục