Hoạt động của ngành

Du lịch Bình Liêu (Quảng Ninh): Hướng đi mới trong phát triển kinh tế

Cập nhật: 17/09/2015 09:59:47
Số lần đọc: 1811
Với lợi thế về phong cảnh miền núi tươi đẹp, nguyên sơ hoà cùng nhiều nét văn hoá truyền thống còn được lưu giữ, Bình Liêu là địa phương có sẵn những lợi thế đặc trưng, thu hút du khách bốn phương tới khám phá mảnh đất và con người nơi đây. Khai thác lợi thế du lịch Bình Liêu sẽ tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi biên giới.

Là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu nổi tiếng với cảnh sắc đặc trưng, riêng có. Tuyến biên giới trên đất liền dài cùng với tuyến đường hành lang biên giới và hệ thống cột mốc biên giới, cửa khẩu Hoành Mô… là những điểm đến quan trọng khi du khách muốn khám phá những dấu mốc thiêng liêng của Tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, Bình Liêu còn có nhiều lợi thế về phong cảnh miền núi với rừng hồi, rừng quế thơm ngát; vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vỹ của di tích danh thắng như: bãi Đá thần ở Cao Ba Lanh vừa huyền bí vừa gợi vẻ thiêng liêng; núi Cao Xiêm, ngọn núi sừng sững cao nhất tỉnh… Điểm nhấn ấn tượng trên bản đồ du lịch huyện không thể không nhắc đến thác nước Khe Vằn, cao gần 100m, không gian rộng với ba tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi rừng. Mỗi tầng thác mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau. Không gian chân thác là các tảng đá to, ở giữa có một hòn đá giống con voi đang phủ phục. Các khối đá nhô lên giữa vùng nước trong xanh, tạo nên một sức cuốn hút và hấp dẫn kỳ lạ đưa du khách khám phá cảnh quan đá và nước hòa quyện vào nhau.

 

Hòa trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp là cuộc sống êm đềm, giản dị, đậm chất nhân văn và giàu tình người của đồng bào các dân tộc thiểu số đã bao đời gắn bó với mảnh đất này. Với đặc thù có 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, Bình Liêu có những nét văn hoá truyền thống đa dạng và độc đáo. Các dân tộc trên địa bàn đã hình thành nên một bề dày văn hoá với nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc vẫn được bảo tồn và phát huy như: nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà, hội hát Sán cố của người Dao... Đây là tài sản vô giá để huyện phát triển du lịch cộng đồng gắn với các di tích danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn.

 

Với các điều kiện thuận lợi về tự nhiên, nguồn tài nguyên phong phú cùng truyền thống văn hóa lâu đời, huyện Bình Liêu là nơi hội tụ các yếu tố phát triển du lịch mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch mới ở dạng tiềm năng.

 

Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển trở thành một ngành kinh tế dịch vụ, mang lại thu nhập cho người dân địa phương, huyện đã triển khai các giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, tập trung chỉ đạo công tác lập Quy hoạch phát triển du lịch huyện Bình Liêu và Đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, chương trình OCOP “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, bước đầu đã hình thành được một số thương hiệu, sản phẩm OCOP để phục vụ khách du lịch như: miến dong, mật ong, rượu, lá tắm, trà vối… Cùng với đó, các sản phẩm ẩm thực truyền thống, sản phẩm đan lát, đặc biệt là sản phẩm văn hóa văn nghệ (hát Then, Soóng cọ) đã được đẩy mạnh giới thiệu, phục vụ du khách đến tham quan.

 

Ngoài ra, huyện đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour tuyến, cải thiện hạ tầng giao thông... để đưa du khách đến với Bình Liêu. Đồng thời, tiến hành khảo sát, lập hồ sơ trình tỉnh công nhận các tuyến điểm du lịch. Dự kiến sau khi các tuyến điểm được công nhận sẽ chính thức đưa vào khai thác và thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ và dịch vụ khác… dần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

 

Là đơn vị tổ chức tour du lịch đầu tiên đưa khách đến Bình Liêu, ông Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Phong cho biết: Bình Liêu có những lợi thế lớn về cảnh quan tự nhiên, nguyên sơ và nét độc đáo về văn hoá, cảnh quan ruộng bậc thang, các bản làng... Đây là những lợi thế thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt du khách quốc tế. Trong thời gian tới, Nam Phong sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền quảng bá, kết nối với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách du lịch đến đây.

 

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, tính đến tháng 9 năm 2015, Bình Liêu đã đón 19.840 du khách thăm các điểm thăm quan trên địa bàn huyện (Đình Lục Nà, thác Khe Vằn, cửa khẩu Hoành Mô, tuyến đường biên giới, thác Khe Tiền, thác sông Mooc A…). Trong đó, khách lưu trú khoảng 1.200 lượt khách, du khách thăm quan khoảng 18.640 lượt khách. Có 10 đoàn khác đến theo tour du lịch với khoảng gần 300 lượt khách. Đặc biệt, ngoài Công ty TNHH MTV Nam Phong đưa đoàn còn có công ty du lịch Asean tralvel cũng đã bắt đầu đưa 1 tour du lịch đến huyện Bình Liêu. Những con số này chưa thật sự nhiều nhưng là tín hiệu vui cho khởi sắc du lịch huyện Bình Liêu.

Đồng chí Cao Tường Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu cho biết: Xác định du lịch chính là khâu đột phá giúp huyện Bình Liêu thay đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh – xã hội, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung hoàn thành Quy hoạch phát triển Du lịch huyện Bình Liêu và Đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong năm 2015, huyện sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại xã Húc Động gắn với truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc Sán Chỉ và Di tích danh thắng Thác Khe Vằn... Cùng với đó, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Liêu nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục thu hút đầu tư cho lĩnh vực du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trên cơ sở tạo điều kiện, môi trường thông thoáng trong kinh doanh, phát triển du lịch hướng tới tạo thương hiệu sản phẩm cho phát triển du lịch để Bình Liêu trở thành điểm đến “Hấp dẫn, thân thiện và mến khách”.

 

Khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, Bình Liêu đang có bước đi riêng trong phát triển du lịch với những nét độc đáo, khác biệt, mang đến những trải nghiệm ấn tượng đối với du khách. Đây là hướng đi mới, thể hiện quyết tâm của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện./.

Nguồn: quangninh.gov.vn

Cùng chuyên mục