Hoạt động của ngành

Cao Lộc (Lạng Sơn) tăng cường phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Cập nhật: 05/11/2008 16:11:18
Số lần đọc: 2718
Xác định rõ tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, nên những năm qua huyện Cao Lộc đã luôn chú trọng sưu tầm, bảo tồn, làm giàu và phát huy nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Với những biện pháp thiết thực, huyện Cao Lộc đã thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hoá của quê hương, xúc tiến, tạo sức hút mạnh mẽ trong du lịch.

Theo thống kê, hàng năm trên địa bàn huyện Cao Lộc có trên 30 lễ hội với các mức độ và quy mô khác nhau được tổ chức vào dịp đầu xuân. Các lễ hội đã thu hút được đông đảo người dân tham gia và nhiều lượt du khách về dự với những ấn tượng tốt đẹp, dần khẳng định nét độc đáo riêng có. Nhưng để các lễ hội diễn ra  thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, đạt mục tiêu yêu cầu đề ra thì ngay từ những tháng quý cuối của năm trước đó, phòng Văn hoá – Thông tin (VH – TT) huyện Cao Lộc đã triển khai chủ trương, phổ biến cách thức, quy trình tổ chức lễ hội theo đúng các quy định của nhà nước tới các xã, thị trấn trên địa bàn.

Qua đó, giúp cho các địa phương có một định hướng rõ ràng để lựa chọn, sưu tầm những lễ hội truyền thống đặc sắc nhất, cùng với các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu làm điểm nhấn cho các lễ hội của địa phương mình. Ông Nguyễn Trọng Quyền, Trưởng phòng VH – TT huyện Cao Lộc cho biết, phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn lựa chọn ít nhất một lễ hội đặc sắc nhất, báo cáo để phòng có kế hoạch tư vấn, giúp đỡ về mặt chuyên môn trong quá trình tổ chức... Từ năm 2001 trở lại đây, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH,TT – DL, Huyện uỷ, UBND huyện Cao Lộc, các lễ hội truyền thống của các xã, thị trấn đều được tổ chức kết hợp ngày hội văn hóa – thể thao với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân. Trong các ngày lễ hội, cho đến các cuộc biểu diễn văn nghệ quần chúng, thi tiếng hát dân ca; đều có các làn điệu dân ca đặc trưng như: hát then, hát lượn, phong slư, quan lang, mo… được bà con nhân dân sưu tầm, lưu giữ, trao truyền và thể hiện. Đây chính là kết quả có được từ việc quan tâm phát triển văn hoá cơ sở, chú trọng xây dựng hạt nhân là các đội văn nghệ quần chúng tại các xã, thị trấn.

           
Ngoài việc tổ chức và duy trì các làn điệu dân ca tại ngày hội văn hoá, thể thao, ngày vui, lễ tết của cộng đồng dân cư, phong trào thể dục thể thao quần chúng cũng được duy trì và phát huy mạnh mẽ trên khắp địa bàn huyện.  Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn tổ chức ngày hội đều thi đấu từ 3 môn thể thao trở lên. Các môn thể thao được nhiều người yêu thích tham gia và cổ vũ là kéo co, đẩy gậy, võ cổ truyền, múa sư tử,... Đặc biệt, các môn thể thao dân tộc đã không chỉ có tác dụng tạo không khí sôi động, vui tươi lành mạnh tại ngày hội, dịp lễ tết, mà còn thực sự nêu cao ý thức bảo tồn, làm giàu và phát huy các nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc, truyền thống của làng bản, quê hương cho mỗi người dân. Nhưng sâu xa và quan trọng hơn, thông qua các hoạt động giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá ấy, Cao Lộc muốn thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương.  Minh chứng rõ nét cho điều này là, trong những năm gần đây, các lễ hội của Cao Lộc, ngoài sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, còn thu hút được một số lượng không nhỏ du khách khu vực xung quanh và các địa phương khác đến vui hội. Tiêu biểu như Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng, năm 2008 số lượng khách thập phương đến với lễ hội tăng gấp khoảng 3 lần so với năm 2007; đặc biệt, du khách đến từ Trung Quốc khoảng 3,6 vạn lượt người, khách nội địa đến từ các tỉnh ước đạt 2,4 vạn lượt người. Hay như tại lễ hội chùa Bắc Nga, trong những ngày diễn ra lễ hội, món thịt lợn quay – một món ăn tiêu biểu cho văn hoá ẩm thực của người Xứ Lạng được du khách
ưa chuộng và tiêu thụ lên đến con số hàng trăm con… Lượng khách đến lễ hội ước tính năm 2008 gấp 1,5 đến 2 lần so với năm trước. Ngoài ra còn nhiều lễ hội văn hoá khác cũng có sức hút lớn đối với du khách như: Ngày hội văn hoá -  thể thao xã Hải Yến, lễ hội Ba Sơn xã Cao Lâu…

           
Qua một vài minh chứng cụ thể trên, có thể thấy rằng, những cố gắng, cũng như các định hướng, biện pháp của huyện Cao Lộc đưa ra trong việc phát huy bản sắc văn hoá dân tộc nhằm thu hút du lịch thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.

                       
Một mùa lễ hội, du lịch nữa lại sắp đến, huyện Cao Lộc đang nỗ lực hơn nữa, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các nét đẹp văn hoá truyền thống, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể góp phần quảng bá ngày càng sâu rộng hình ảnh, vị thế, tiềm năng văn hoá, du lịch của địa phương. Tin tưởng rằng, Cao Lộc sẽ ngày càng khởi sắc, khắc ghi được “thương hiệu” du lịch của mình trong lòng đông đảo du khách thập phương.

Nguồn: website báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục