Hoạt động của ngành

Huyện Cát Hải (Hải Phòng) bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ngập mặn: Phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật: 31/10/2008 08:10:05
Số lần đọc: 2645
Diện tích rừng ngập mặn của huyện Cát Hải chiếm tới trên 7.000 ha với 32 loài cây, tập trung chủ yếu tại các xã Phù Long, Nghĩa Lộ, Văn Phong, Hoàng châu, thị trấn Cát Hải. Cát Hải là nơi có diện tích rừng ngập mặn tốt nhất miền Đông Bắc Bộ, có tác dụng phòng hộ, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường rất tốt.

Đây còn là một hệ sinh thái có tác dụng quan trọng trong việc chắn sóng, bảo vệ sự xâm nhập mặn của nước biển vào đất liền, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ động thực vật ven biển.

 

Xác định rõ tầm quan trọng ấy, những năm qua huyện Cát Hải đã tích cực chủ động trong việc triển khai các phương án bảo vệ, trồng mới và phục hồi các diện tích rừng ngập mặn. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng đuợc dẩy mạnh. Huyện kết hợp với các ban điều phối dự án “Bảo tồn nguồn lợi ven bờ”, Dự án “Bảo tồn loài Voọc đầu trắng”, tổ chức các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc Gia Cát Bà trong đó có rừng ngập mặn. Hàng năm các ngành chức năng như Hạt Kiểm lâm huyện, phòng nông nghiệp và hội Chữ thập đỏ huyện cũng đã tổ chức các đợt tuyên truyền bảo vệ rừng tại cơ sở, triển khai trồng mới và trồng bổ sung tại các cánh rừng ngập mặn, rừng phòng hộ. Các xã thị trấn có rừng ngập mặn đều thành lập các tổ trông coi bảo vệ rừng.

 

Để công tác trông coi bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao nhất, hiện nay huyện Cát Hải đã áp dụng hình thức giao khoán việc trông coi rừng ngập mặn cho các hộ gia đình. HĐN huyện và các ban của hội đồng thường xuyên tổ chức đi kiểm tra giám sát thực trạng tại các cánh rừng ngập mặn nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng. Chính vì thế mà những năm gần đây tình trạng chặt phá, xâm hại rừng ngập mặn giảm đáng kể.

 

Trước đây nhiều hộ dân đã không ngần ngại dùng mọi hình thức phá rừng như chặt phá mở rộng diện tích đầm hồ nuôi thuỷ sản, dùng cào cuốc, câu mò đào bới các gốc sú, vẹt để khai thác nhuyễn thể như Ngao, Phi phi, Ngán, sâu đất... đã triệt tiêu những cây đang sống và cây tái sinh, làm mất khả năng phục hồi rừng. Tình trạng này diễn ra nhiều nhất là tại xã Phù Long, nơi có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất huyện. Tuy nhiên do có sự tuyên truyền sâu rộng, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và chính quyền đoàn thể từ huyện đến cơ sở nên đến nay tình trạng này hầu như không còn xảy ra. Toàn bộ diện tích rừng ngập mặn đang dần được phục hồi và bảo vệ nghiêm ngặt đã góp phần đắc lực vào mục tiêu bảo tồn khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, bảo tồn hệ động thực vật - nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho huyện đảo.

Nguồn: Hải Phòng

Cùng chuyên mục