Hoạt động của ngành

Bắc Giang, đậm đà những canh quan họ cổ

Cập nhật: 05/11/2008 14:11:59
Số lần đọc: 2673
Dân ca quan họ là sản phẩm của vùng Kinh Bắc xưa, bao gồm tỉnh Bắc Ninh ở bờ Nam sông Cầu và tỉnh Bắc Giang ở bờ bắc Sông Cầu ngày nay. Trong tổng số 49 làng quan họ cổ của vùng Kinh Bắc nằm trong hồ sơ chính thức gửi UNESCO xét công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Giang có năm làng cổ đều thuộc huyện Việt Yên, bốn làng là Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ (xã Ninh Sơn) và Sen Hồ (thị trấn Nếnh).

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định không gian quan họ ở bờ bắc sông Cầu ở tỉnh Bắc Giang là rất rộng lớn, còn lưu giữ nhiều giá trị của di sản văn hoá quan họ đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Ở những làng quê này, chẳng biết tự bao giờ, quan họ đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá trong đời sống thường ngày.

 

Quan họ, tình yêu và tự hào

 

Bà Đoàn Thị Tình là một trong số ba “nghệ nhân” quan họ cao tuổi nhất ở thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn vẫn còn tình yêu cháy bỏng với quan họ. Ngôi làng quan họ nằm nép mình bên dòng sông Cầu thơ mộng đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn quan họ. Sinh ra trong cái nôi của làng quan họ cổ, năm nay đã 82 tuổi, bà Tình còn nhớ, bà biết chơi quan họ từ khi còn bé, ngày còn theo cha mẹ đi hát chạ ở làng bên. Dứt câu hát trong bài “Áo xếp nguyên”, một bài quan họ cổ, chỉ vào cô con gái, bà Tình tâm sự: “Bây giờ cái giọng không khỏe như trước nữa, chỉ chơi từng câu ngắn ngắn thôi. Mẹ nó đây này giờ biết chơi nhiều bài dài lắm rồi, bài quan họ cũ có, mới có”.

 

Nghe “cái giọng không khỏe” ấy mà sao thấy còn mượt mà và đằm thắm đến kỳ lạ. Dường như chẳng canh hát nào trong làng mà bà Tình và con gái, chị Đàm Thị Bùi là không tham gia. “Nằm lòng” hơn 30 làn điệu quan họ cổ, bà Tình nhiệt tình tham gia sinh hoạt cùng các liền anh, liền chị trong câu lạc bộ quan họ của thôn Nội Ninh, truyền dạy lối hát quan họ cổ mà bà đã dày công tích lũy. Đặc biệt, bà chia sẻ lối chơi của người quan họ và các kỹ thuật hát làm sao đạt được độ vang, rền, nền, nảy… bởi như thế mới có thể lột tả hết “cái hồn” của quan họ.

 

Tuần nào cũng vậy, cứ vào chiều thứ bảy, đội quan họ thôn Nội Ninh với hơn 40 người lại tụ tập nhau và cùng luyện tập. Nhà chị Bùi, con gái bà Tình, đội trưởng đội văn nghệ thôn chính là điểm chơi quan họ, ai sưu tầm hay biết bài mới cùng đưa ra cả đội cùng học. Những bài quan họ gắn với sinh hoạt đời thường, có khi chen cả điển tích, ca dao… thật mộc mạc, chân tình nhưng thấm đẫm chất trữ tình. Chơi quan họ ở đây không cần nhạc đệm, không cần tăng âm, micro nhưng vẫn vang, rền.

 

Liền chị Doãn Thị Hợp kể, vào những ngày rằm, ngày lễ hội cũng vậy, ngay bên sân đình làng, những canh quan họ cổ luôn thu hút mọi người trong và ngoài làng bên đến cùng chơi. Đội quan họ Nội Ninh có tiếng trong huyện nhờ kinh nghiệm tham gia hội diễn văn nghệ ở Việt Yên từ gần 10 năm nay. Ở ngôi làng nằm bên bờ bắc sông Cầu này, không khó tìm những gia đình có tới ba, bốn thế hệ biết chơi quan họ. Có lẽ, quan họ không chỉ là niềm đam mê mà còn là niềm tự hào của người dân miền quê ấy.

 

Không chỉ ở làng quan họ cổ Nội Ninh, mà ở hầu khắp các làng, xã bên bờ bắc Sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang, dân ca quan họ đã ăn sâu vào tâm thức và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân. Ở đây, mỗi làng đều có một đội hay câu lạc bộ quan họ và có lề lối chơi quan họ rất chặt chẽ. Thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn, Việt Yên là một trong những làng có truyền thống hát quan họ của vùng Kinh Bắc xưa "kết chạ" với làng Hoài Thị ở Vùng Sim- Bịu (Bắc Ninh). Quan họ Hạ Lát là các liền chị, còn quan họ Hoài Thị là các liền anh. Hay như quan họ Đình Cả, xã Quảng Minh, Việt Yên xưa kia "kết chạ" với làng Trà Xuyên (Bắc Ninh). Quan họ Đình Cả là các liền anh còn quan họ Trà Xuyên là các liền chị.Anh Đào Trọng Ca, phó phòng Văn hóa thông tin của huyện Việt Yên, người gắn bó và theo sát các hoạt động của các đội quan họ ở địa phương, bản thân anh cũng chính là một “liền anh” từng nhận được nhiều giải cao trong các kỳ hội diễn. Anh chia sẻ về không gian quan họ bờ bắc sông Cầu: “Việt Yên hiện nay có tới gần 30 câu lạc bộ quan họ cấp xã, cấp huyện được thành lập. Ấy là chưa kể tới các đội, nhóm quan họ ở thôn xóm nữa”. Lễ hội chùa Thổ Hà được tổ chức vào 21 tháng Giêng hằng năm, từ hơn 20 năm nay trở thành ngày hội quan họ thu hút các liền anh, liền chị trong huyện và các nơi trong tỉnh Bắc Giang.

 

Đặc sắc không gian văn hoá quan họ bờ bắc sông Cầu

 

Theo ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang, hiện nay, trong số 49 làng quan họ cổ đã được thống kê từ những năm 1969 - 1971 ở cả bờ bắc và bờ nam sông Cầu thì Bắc Giang có năm làng là Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ (xã Ninh Sơn) và Sen Hồ (thị trấn Nếnh). Năm 2006, để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quan họ là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hoá - Thông tin cũ (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã giao Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Bắc Giang nghiên cứu và đã xác định ngoài năm làng trên, Bắc Giang còn có thêm 13 làng cùng ở huyện Việt Yên hội đủ các yếu tố của một làng quan họ. Ngoài ra, ở thôn Bùi Kép và Bùi Bến, cùng ở xã Yên Lư (huyện Yên Dũng) và thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hoà) còn phát hiện nhiều người là nghệ nhân quan họ từ lúc trẻ. Những kết quả điều tra mới khẳng định không gian quan họ bờ bắc sông Cầu rất rộng lớn, còn lưu giữ nhiều giá trị của di sản văn hóa quan họ đặc sắc của vùng Kinh Bắc.

 

Sinh hoạt quan họ phía bắc sông Cầu có mối liên hệ chặt chẽ với sinh hoạt quan họ phía nam sông Cầu, tạo thành một vùng văn hoá quan họ hết sức độc đáo. Sự phổ biến, ổn định và tương đối thống nhất của ngôn ngữ, hệ thống bài bản, lối chơi trong sinh hoạt văn hoá quan họ vùng bắc sông Cầu cho thấy có nhiều nét tương đồng với vùng nam sông Cầu, chứng tỏ nó có chung một cội nguồn lịch sử và do chính cư dân bản địa sáng tạo ra.

 

Ông Vũ Hồng Bàng, người có nhiều năm nghiên cứu, khảo sát về không gian văn hóa quan họ cổ bờ bắc sông Cầu cho biết: “Những năm gần đây, trong khi các dòng nhạc nhẹ, nhạc ngoại du nhập và phát triển, trở thành trào lưu, nhưng giới trẻ trong những làng quan họ ở Việt Yên vẫn giữ được lề lối hát của dân ca quan họ nguyên bản mà không bị lai căng, pha trộn”.  

 

Qua điều tra sinh hoạt văn hoá quan họ bên bờ bắc Sông Cầu của Viện Văn hoá Nghệ thuật cho thấy, chỉ riêng ở huyện Việt Yên có 130 nghệ nhân có thể hát quan họ đúng bài bản của lề lối dân ca quan họ cổ. Đồng thời, đoàn khảo sát cũng thu thập được gần 200 bài quan họ cổ của các nghệ nhân chưa được công bố và một số bài mang tính dị bản so với các bài quan họ đã biết.  

 

Tỉnh Bắc Giang đang thực hiện chương trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quan họ từ nay đến 2015. Bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: Công tác giữ gìn và phát triển dân ca quan họ đã được quan tâm và triển khai từ nhiều năm về trước. Tỉnh tập trung khôi phục, bảo tồn năm làng quan họ cổ đã được công nhận và 13 làng đã được xác định thêm từ năm 2006, phục dựng lại toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ. Ngành văn hóa Bắc Giang phối hợp các địa phương xây dựng một số tụ điểm hát quan họ ở các làng Thổ Hà, Trung Đồng, Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn, Sen Hồ cùng ở huyện Việt Yên.

 

Huyện Việt Yên, nơi tập trung các làng quan họ cổ tổ chức Hội thi Tiếng hát quan họ tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn vào giữa tháng 12 (âm lịch) hằng năm. Tuy nhiên, từ năm nay, hội thi sẽ trở thành sân chơi văn hóa của cả vùng, là lễ hội lớn có sự giao lưu của các đội quan họ ở Bắc Ninh thuộc bờ nam sông Cầu. Hội thi sẽ được tổ chức với hai hình thức: Thi giọng hát hay và Thi thuộc nhiều bài hát quan họ để tạo tiền đề đến năm 2010 sẽ tổ chức thi hát quan họ toàn tỉnh. Để góp phần tích cực vào việc bảo tồn  phát triển văn hoá quan họ, tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tập hợp các nghệ nhân quan họ thành từng nhóm để làm hạt nhân cho phong trào hát quan họ ở cơ sở; xây dựng các tổ, đội, nhóm và các câu lạc bộ thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, hát đối đáp, tạo môi trường cho quan họ bờ bắc sông Cầu phát triển.

 

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đệ trình hồ sơ Quan họ lên Tổ chức văn hóa, khoa học, giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) để xét công nhận là di sản phi vật thể thế giới. Nếu được công nhận, quan họ sẽ là di sản đại diện của nhân loại thứ ba của Việt Nam, sau nhã nhạc cung đình Huế và cồng chiêng Tây Nguyên. Đó là vinh dự và tự hào không những của cộng đồng dân cư vùng Kinh Bắc mà còn của đồng bào cả nước. Khi ấy, việc bảo tồn và phát huy di sản này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành văn hóa, chính quyền địa phương mà còn của cả quốc gia và toàn nhân loại, trong đó vai trò quan trọng nhất vẫn là người dân ở bờ bắc và nam sông Cầu, những chủ nhân của các làng quan họ.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục