Hành trang lữ khách

Cốm dẹp - Đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng

Cập nhật: 30/10/2008 09:30:55
Số lần đọc: 2683
Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng quen thuộc của Sóc Trăng như bánh pía, mè láo, lạp xưởng... cốm dẹp cũng là đặc sản mang đậm phong vị riêng của vùng đất có đông đồng bào dân tộc Khmer. Cốm dẹp lúc nào cũng có, nhưng nhiều nhất là khi bà con Khmer chuẩn bị cho lễ Ok-om-bok (lễ đút cốm dẹp hay còn gọi là lễ cúng trăng thường được tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch).

Thông thường, khi người miền Nam nói tới món Cốm này thì gọi là cốm "dẹp" vì đấy là lối phát âm của người miền Nam nhưng thật ra phải gọi là cốm "giẹp" mới đúng.

Vào mùa cốm dẹp. Cốm thường được gánh trên đôi thúng tre, theo chân chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer đi khắp các ngõ phố, góc chợ. Du khách có thể chọn lựa hai loại cốm dẹp để mua: cốm chưa trộn có thể mang về làm quà, để lâu được (thường được bán theo lít vung, không gạt ngọn, giá từ 15.000-20.000 đồng/lít) và cốm đã trộn với dừa nạo, đường được bán theo từng gói với giá 2.000 – 3.000 đồng/gói, ăn liền hoặc mang về nhưng không để lâu được.

Cốm dẹp được làm từ lúa nếp vừa đỏ đuôi, còn ngậm sữa và hạt nếp mềm dẻo. Lúa nếp vừa gặt xong được rang trong nồi đất, mỗi lần rang chỉ vài ba lon, đến khi hạt vừa giòn là bỏ vào cối bồng (giống như cối giã gạo nhưng phải được có lòng hẹp và sâu hơn), sau đó dùng chày gỗ để quết. Hạt nếp được quết dẹp thì sang qua nia, sảy cho hết trấu, rồi đem sàng để có được loại cốm ngon nhất. Có lẽ, chính vì vậy, cốm dẹp của đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL làm giòn, có mùi thơm của nếp mới, của củi lửa. Nếu có dịp mua được loại cốm mới quết, ăn thử, bạn sẽ cảm nhận hết hương vị tươi giòn tuyệt vời của cốm.

Thường cốm dẹp được trộn với dừa nạo và đường. Đầu tiên, cốm được ngâm trong nước dừa tươi hoặc nước ấm vài giờ cho mềm - dẻo, sau đó trộn với đường, dừa nạo. Để chừng vài tiếng cho những hạt cốm thấm, ngậy lên mùi thơm của nếp hòa lẫn cùng vị béo của dừa. Cốm dẹp đã trộn sẵn thường được gói trong lá chuối, lá dừa để bảo quản được lâu và theo chân du khách đi xa.

Mời khách ăn cốm dẹp là một nét đẹp trong phong tục của đồng bào dân tộc Khmer: Với ý nghĩa nếp mới là sản vật quý giá của đồng ruộng và cốm dẹp là món quà thơm thảo mà họ muốn chia sẻ với tất cả mọi người để cùng chung hưởng niềm vui được mùa.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục