Hành trang lữ khách

Du lịch đồng quê dưới chân núi Tản

Cập nhật: 27/10/2008 07:10:25
Số lần đọc: 2069
Đó là ý tưởng và mong muốn của Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một phụ nữ từng có nhiều năm nghiên cứu về tiềm năng của rừng núi Ba Vì và cũng là người góp phần không nhỏ vào sự phát triển của vùng du lịch này.

Năm 1996, trước nguy cơ một gia đình dân tộc Mường định dỡ bỏ ngôi nhà sàn cổ còn lại duy nhất ở xã miền núi Vân Hoà (Ba Vì), tiến sĩ Ngô Kiều Oanh đã quyết định mua lại ngôi nhà với giá cao nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá dân tộc Mường, đồng thời cũng đầu tư xây dựng cho mình một trang trại riêng trên diện tích hơn 3 ha đất vùng đồi gò. Từ đó, ý tưởng xây dựng một khu du lịch thiên nhiên gắn liền với làng xã, đồng quê dưới chân núi Ba Vì đã hình thành trong con người đầy nhiệt huyết ấy.

 

TS. Ngô Kiều Oanh cho biết: - Ba Vì là vùng đất tốt, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch đồng quê, với những vùng sinh thái vườn rừng, đồi chè, nương lúa… rất nên thơ. Nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản vật như sữa tươi Ba Vì, mật ong rừng, gà đồi, dê, cừu… và nhiều cây thuốc nam quý có tác dụng tốt cho sức khoẻ, được nhiều du khách ưa thích. Ngoài ra, vùng Ba Vì còn có nguồn nước khoáng thiên nhiên quí, dễ khai thác là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái. 

 

Nằm cạnh tỉnh lộ 87 (thuộc xã Vân Hoà, Ba Vì), cách Hà Nội hơn 50 km về phíaTây, “Trang trại Đồng quê” của nữ tiến sĩ Ngô Kiều Oanh hiện lên trong làn mây lãng đãng bay bên sườn núi. Với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, đây sẽ là một điểm đến thích hợp cho những ngày nghỉ cuối tuần hoặc những cuộc trao đổi theo nhóm. Tại đây, du khách không chỉ được nghỉ ngơi, ăn uống như đang ở nhà mình, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang trong mùa lúa chín, hình ảnh những cô gái dân tộc Mường trên đường đi làm đồng, và những đàn bò sữa trên đồng cỏ, hay trong trang trại gia đình. Điều thú vị là với mô hình du lịch đồng quê, du khách sẽ được “hai cùng” với người nông dân, biết đến cách vắt sữa bò, cách làm rượu mật ong, và tận mắt trông thấy những vật nuôi trong trang trại của người dân. Bên cạnh đó, du khách còn được hít thở không khí trong lành của rừng cây hoa lá, được thăm vườn đồi bạt ngàn của mùa trái ngọt, và thả hồn trong vườn hoa, cây trái của các trang trại liền kề khác. Có thể nói, khu du lịch theo kiểu “Trang trại đồng quê” của tiến sĩ Ngô Kiều Oanh là trung tâm của 6 điểm du lịch nổi tiếng của Ba Vì như Khoang Xanh, Thác Đa, Ao Vua, Thiên Sơn Suối Ngà, khu K9, nước khoáng nóng Thuần Mỹ… Trong những ngày nghỉ cuối tuần, một nhóm gia đình, bạn bè thân thiết có thể chọn đây làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi và bắt đầu cuộc hành trình đến các điểm du lịch của Ba Vì, bán kính tới các điểm du lịch này chỉ khoảng 10-12km. Sau một ngày đi tham quan, vui chơi, du khách được thư giãn trong khung cảnh nên thơ, yên tĩnh bên ngôi nhà sàn cổ và được thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng núi Ba Vì với chất lượng thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh.

 

Tiếng chim hót líu lo buổi ban mai, tiếng ve râm ran chào buổi sáng, rồi tiếng nước suối chảy róc rách suốt ngày đêm như bản nhạc du dương trầm lắng, giúp cho du khách có cảm giác như đang sống giữa thiên nhiên hoang dã. Khi ánh mặt trời chiếu xuống, du khách có thể dạo quanh rừng trúc trong khu du lịch trên từng bậc thang bằng đá tự nhiên, hoặc ngồi thư giãn bên chiếc xích đu cạnh hồ bán nguyệt, ngắm cá vàng lượn quanh. Mỗi khi khách đến thả mồi là đàn cá lại nhao đến, nom rất vui mắt! Cứ mỗi chiều thứ 6, bà Ngô Kiều Oanh cùng con gái lại lên khu du lịch của gia đình để trồng rau, làm cỏ, và tiếp tục thực hiện mô hình du lịch đồng quê của mình. Cô con gái Ngô Hoàng Kiều Nga hiện đang nghiên cứu các mô hình du lịch đồng quê ở một số nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật... để bổ sung kiến thức và phục vụ cho việc phát triển ý tưởng của mẹ. Nơi đây sẽ là văn phòng du lịch đồng quê trong vùng thời gian tới.

 

Sau một ngày tham quan và trải nghiệm ở khu du lịch của nữ tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, khi trở về Hà Nội, tôi không quên chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp về khu du lịch mới lạ này. Tháng 8/2008, thời điểm mà Ba Vì nói riêng và Hà Tây nói chung đã chính thức sáp nhập vào Hà Nội, cũng là lúc khu du lịch này bắt đầu mở cửa đón du khách theo  từng nhóm nhỏ. Việc  hình thành thêm một điểm du lịch mới dưới chân núi Tản sẽ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho Ba Vì, giúp cho du khách có thêm lựa chọn điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn cho mình, gia đình, bạn bè sau những giờ lao động, làm việc và học tập căng thẳng...

Nguồn: HNM

Cùng chuyên mục