Hoạt động của ngành

Si Ma Cai (Lào Cai) bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc thiểu số

Cập nhật: 02/04/2015 10:22:12
Số lần đọc: 1719
Đến xã Nàn Sán (Si Ma Cai) đúng lúc nghệ nhân dân gian người Thu Lao Vàng Sín Phìn đang luyện tập cho đội văn nghệ của thôn với những bài dân ca Thu Lao.

Đó là một trong những buổi tập của những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mặc dù chưa được công nhận vào danh mục di sản cấp quốc gia, nhưng nét văn hóa trong dân ca, nhạc cụ truyền thống của người Thu Lao ở Si Ma Cai cũng đang được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng đồng bào Thu Lao tích cực bảo tồn, phát huy, nhằm hạn chế nguy cơ mai một...

Với mong muốn xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, huyện Si Ma Cai đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Toàn huyện có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng biệt với truyền thống lâu đời, phong phú. Để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc, huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung đầu tư bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đi đôi với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch; chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện tốt công tác “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tiến hành kiểm kê và lập hồ sơ đưa vào danh mục: Truyện cổ tích, dân ca, dân vũ... Thông qua đó, từng bước có kế hoạch đưa vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc (dân tộc Mông) đảm bảo đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông.

Cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, một số nghệ nhân dân gian cũng đang miệt mài với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ngoài nghệ nhân Vàng Sín Phìn người Thu Lao còn có nghệ nhân người Mông Thào A Dín, thôn Sín Chải, xã Sín Chéng được mệnh danh là “thầy khèn” ở vùng cao với những đóng góp của ông trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của người Mông: Dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, tri thức dân gian... Thời gian qua, ông Dín phối hợp cùng Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch cung cấp tư liệu văn hóa truyền thống của người Mông trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đặc biệt là các điệu múa khèn truyền thống. Trong đó, nghệ nhân Thào A Dín đã tham gia vào dự án “Khôi phục và truyền dạy điệu múa khèn vượt biển của người Mông trắng ở thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng”. Hay như nghệ nhân làm đàn môi Thào Seo Hờ ở thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, dù ngày nay ít người dùng đàn môi để bày tỏ yêu thương hay tâm tư tình cảm như trước đây, nhưng ông Thào Seo Hờ vẫn luôn miệt mài giữ nghề làm nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình... 

Đồng thời, huyện cũng đã duy trì và phát triển việc tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội xuống đồng của dân tộc Nùng, gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...được tổ chức thường niên theo phong tục truyền thống tốt đẹp đã thu hút đông đảo nhân dân trong huyện và khách du lịch tham dự. Trong đó, nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm đã và đang được nghiên cứu xem xét tiến hành khôi phục, bảo tồn. Huyện chỉ đạo chính quyền các cấp và nhân dân tập trung bảo tồn kiến trúc và cảnh quan nhà tường trình, ruộng bậc thang và trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, nét riêng đặc sắc chợ phiên vùng cao Cán Cấu, Sín Chéng, Si Ma Cai.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai cho biết: Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục tăng cường bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Si Ma Cai sẽ hoàn thành tốt công tác kiểm kê, rà soát, quy hoạch và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; lập hồ sơ đề nghị bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống. Phân loại các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong huyện. Từ đó bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa như: Dân ca, dân vũ của dân tộc Mông, Nùng....các lễ hội như: Lễ hội Xuống đồng, lễ hội Gầu tào (đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể đợt 1)... Lập kế hoạch khôi phục và phát triển thành sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường các ngành, nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm...). Tăng cường, đẩy mạnh công tác sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo và giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể: Nhà tường trình của đồng bào Mông, Nùng; các vật dụng phục vụ lao động truyền thống, phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày (cối giã gạo, cối xay đá, dụng cụ lao động...). Tổ chức điều tra, khảo sát tổng hợp các nghệ nhân để giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa dân gian, dân tộc./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục