Hoạt động của ngành

Kon Tum - Miền đất của lễ hội

Cập nhật: 20/03/2013 09:28:01
Số lần đọc: 3087
- ...Những bàn chân, bàn chân trần, chân đất. Bước đi rộn rã bồi hồi. Tiếng sáo bay qua chín suối, mười đồi. Cái cồng, con chiêng đêm nay cũng thức. - Đêm trong veo, trong veo! nhà Rông bập bùng ánh lửa. Rượu cần, men say chứa trong ánh mắt em. Anh vít cần, vít cần mà không dám uống. Điệu Xoang nhịp nhàng, dòng người sóng sánh. Anh cứ sợ, cứ sợ mình làm mất nhau thôi.

- Ê hê!... Nhà Rông bập bùng ánh lửa, cô gái Gia Rai, hát câu gì, hát câu gì mà trăng nhô lên. Ê hế...

 

Xin mượn những ca từ ấy trong bài hát “Đêm Xoang Tây Nguyên” của Nhạc sỹ Nguyễn Cường để mở đầu cho bài viết này. Bởi cái hồn của những câu hát ấy chính là những cảm xúc sâu lắng, mô tả sự lung linh huyền ảo say đắm lòng người của những đêm lễ hội quanh đống lửa bập bùng, những cần rượu ghè vút cong, tiếng cồng chiêng ngân vang hòa nhịp với những bước chân uyển chuyển và những bàn tay dập dìu nối vòng xoang của các sơn nữ. Đêm hội như dài ra không dứt trong âm thanh đàn Ting ning thánh thót, những gương mặt rực hồng ánh lửa, men rượu cần ngất ngây và giai điệu những bài dân ca mượt mà, đây đó thi thoảng có những tiếng hú dài vang vọng vào vách núi dội ra. Đấy chính là không gian của lễ hội ở Kon Tum mà bất cứ dân tộc bản địa nào ở miền đất này đều có.

 

Những ai đã đến Kon Tum, đã được hòa mình vào cái không khí ấy của một đêm lễ hội dù chỉ một lần, chắc sẽ khó quên. Ở xứ sở Kon Tum - đất và người đều gắn liền với lễ hội - từ những lễ hội xung quanh vòng đời người như  lễ thổi tai, lễ cúng đau ốm, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả…đến những lễ hội về sản xuất, trồng trọt như lễ chọn đất rẫy, lễ phát rẫy, lễ tỉa lúa, lễ ăn lúa giống thừa, lễ ăn lá lúa, lễ rước hồn lúa, lễ thu hoạch lúa, lễ mừng lúa mới, lễ mở cửa kho lúa… và lễ hội về sự tồn tại và phát triển của cộng đồng như lễ cúng bến nước, lễ mừng nước giọt, lễ bắc máng nước, lễ mừng nhà Rông mới, lễ mừng năm mới …,đối với các dân tộc bản địa Kon Tum, cộng đồng làng có vị trí vô cùng quan trọng, gắn kết chặt chẽ, chi phối toàn bộ mọi mặt đời sống, lễ hội cộng đồng làng là những lễ thức đặc biệt quan trọng.

 

Mùa khô, thu hoạch lúa xong, sản phẩm và đời sống lúc này là đầy đủ nhất. Khép lại một năm (thực ra chỉ là một vụ) lao động vất vả, đồng bào các dân tộc bản địa bước vào những tháng nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Hầu hết ngôn ngữ các dân tộc bản địa Kon Tum gọi nghỉ ngơi là ning nơng cho nên cũng có người gọi mùa lễ hội là mùa ning nơng (mùa nghỉ ngơi). Mùa lễ hội là lúc con người rảnh rang hoàn toàn với công việc trồng lúa, chỉ còn chăm sóc hoa màu như mì, bắp, rau. Đây cũng là thời gian để con người thể hiện bản năng trở lại với thói quen săn bắt, hái lượm, chiếm đoạt thiên nhiên. Trong lễ hội, con người được ăn uống thoả thích nên cũng có người gọi là mùa ăn năm, uống tháng. Ngoài ra ở các dịp lễ hội, trai gái còn tìm hiểu nhau, tỏ tình hứa hẹn về chung sống cho nên cũng có người gọi đó là mùa của tình yêu. Bởi vậy, mùa khô là mùa của lễ hội, ning nơng, tình yêu và diễn xướng dân gian, kéo dài từ tháng 10 Dương lịch của năm này sang tới tháng 3 Dương lịch của năm sau.

 

Từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, bất cứ lễ hội nào cũng đều có ý nguyện của chủ lễ đi kèm các lễ thức, vật hiến sinh, hình thức tạ ơn và sinh hoạt hội hè thông qua các loại hình diễn xướng dân gian. Qua đó, con người cảm thấy như đã yên tâm ở sự trao đổi, được siêu thoát khỏi những ám ảnh cá nhân,  cả cộng đồng được chứng giám lòng thành bằng quan niệm của tín ngưỡng mang tính huyền bí, đời sống tâm linh, tinh thần được cởi mở, họ cộng cảm hứng khởi, thăng hoa, vui chơi nhảy múa tạo ra không khí của lễ hội. Bởi vậy, lễ hội là môi trường bất tận nuôi dưỡng và giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc và nghệ thuật diễn xướng dân gian.

 

Người Xơ Đăng gốc nhánh Xơ Teng ở Kon Tum (vùng Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Tô) có tập quán ngụ cư ở những vùng có địa hình cao nhất, họ sở hữu bộ chiêng quí X’teng 7 lá, đàn Klongput và làn điệu dân ca gọi là hát Tintin, thường tổ chức lễ hội cộng đồng lớn nhất là lễ hội Ca pa neo On đrô tơ triêng-  mừng được mùa, mừng lúa mới, tổ chức vào tháng 10 (người Xơ Đăng nhánh T’đrá ở Đăk Hà thì gọi là Đing Ca mo - lễ ăn lúa mới). Lễ hội này bao giờ cũng có nghi lễ đâm trâu hiến sinh - người Xơ Đăng gọi là nghi lễ Ca ko po (lễ đâm trâu) hay Ca po (ăn trâu) - trước đây có những làng ở vùng Tu Mơ Rông đâm tới 2-3 con trâu, thậm chí cả 5-6 con trong dịp lễ hội này, theo quan niệm của người Xơ Đăng ở vùng cao, ngoài ý nghĩa hiến sinh dâng cúng Giàng và các thần thì chỉ có dịp này mới dược ăn thịt thỏa thích trong những ngày ning nơng. Tất cả thịt trâu và những con vật cùng hiến sinh được chia đều cho tất cả các thành viên trong cộng đồng. Sau phần nghi lễ là phần hội với những loại hình diễn xướng dân gian như cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, múa xoang và hát Tintin… do tất cả các thành viên trong cộng đồng từ trẻ tới già cùng say sưa trình tấu thâu đêm suốt sáng như những nghệ sĩ đồng quê.

 

Ở vùng thấp hơn là nơi cư ngụ của người Giẻ-Triêng, kéo dài từ huyện Đăk Glei đến huyện Ngọc Hồi. Người Giẻ-Triêng sở hữu nhiều nhạc cụ rất đặc biệt ở Kon Tum, có những bộ chiêng quí như Nỉ, Ngô, Kh’leng, Xum…riêng bộ chiêng Nỉ có ba chiếc rưỡi với 3 lá chiêng và 1 ống nứa (3 lá chiêng từ lớn đến nhỏ được gọi là: Ông-Cha-Con trai và một ống nứa gọi là Con rể - Dục tít). Còn có bộ thổi hơi nổi tiếng độc đáo là Đing Tut gồm 6 ống nứa do 6 người đàn ông mặc váy truyền thống vừa thổi vừa diễn xướng, âm thanh rất đặc biệt. Ngòai ra còn có các loại ống sáo có tên Ta len, Ta let và đàn Đing pú, M’bin mang bản sắc đậm đà.

 

Người Giẻ-Triêng có một lễ hội khá đặc sắc, đó là tết Cha Kchah - một nét đặc trưng riêng biệt của cộng đồng hàng năm. Tết Cha Kchah được người Giẻ-Triêng tổ chức quy mô hơn tất cả các lễ hội khác cả về vật chất lẫn tinh thần, cả về tín ngưỡng và ý nghĩa. Tết Cha Kchah có nhiều cách gọi khác nhau. Theo ngôn ngữ Giẻ-Triêng, Cha có nghĩa là ăn, còn Kchah có nghĩa là than,  Cha Kchah tức là Tết ăn than hay còn gọi là Tết đòng đòng. Tết Cha Kchah phụ thuộc vào thời điểm ra đòng đòng của cây đót (loại cây làm chổi quét nhà). Tết Cha Kchah của người Giẻ -Triêng được chuẩn bị và tổ chức bắt đầu khi cây đót có đòng đòng (như đòng đòng của lúa) khoảng cuối tháng 10 Âm lịch, nghĩa là khi cây đót đã mang bào thai chuẩn bị trổ bông. Cũng trong thời gian chuẩn bị tết Cha Kchah, đàn ông vào rừng đốt than. Họ chọn những cây gỗ rừng chắc nhất, tro than đượm nhất để đốt. Than này khi đốt xong được bảo quản cẩn thận và mang về nhà chuẩn bị cho các lò rèn, rèn dụng cụ phát rẫy cho năm tới. Có thể xác định thời gian đốt than vào. Bởi lúc này mùa màng đã thu hoạch xong và cây đót đã có đòng đòng chuẩn bị trổ bông. Trong khi đàn ông đốt than thì phụ nữ đi lấy đòng đòng. Gạo lúa mới vừa thu hoạch ăn với đót đòng đòng giã nhỏ trộn với muối ớt hoặc nấu canh trộn với ít bột gạo theo ý thích của từng gia đình. Trong những ngày tết Cha Kchah, con trai chưa vợ, con gái chưa chồng được hưởng niềm vui tột đỉnh, bởi đây cũng là mùa tỏ tình của con trai, con gái Giẻ-Triêng trong lúc nông nhàn. 

 

Cư ngụ nhiều nhất ở phía Tây của Kon Tum, trên địa bàn huyện Sa Thầy là người Gia Rai. Cùng với người Giẻ-Triêng, người Gia Rai sở hữu những bộ trang phục truyền thống có thể nói là đẹp nhất Kon Tum, có điệu múa xoang của phụ nữ rất độc đáo, nhiều động tác rất khó nhưng lại đều tăm tắp trong cả một đội hình xoang trong các lễ hội, được xem là điệu dân vũ Gia Rai quả không ngoa. Người Gia Rai có nhiều chiêng, nhưng trong đó có 2 bộ chiêng lớn nhất Kon Tum có tên là Ania Pơ xơi với 18-21 lá chiêng. Trong các lễ hội của mình, người Gia Rai có lễ Pơthi (bỏ mả) gắn với một loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng kèm theo, đó là nghệ thuật tượng nhà mồ (đẽo tượng gỗ tròn), các loại cột Klao, Kút và kiến trúc nhà mồ.

 

Lễ hội cộng đồng có hai lễ hội quan trọng là Benya (lễ cúng bến nước) và Hơk h’mô rôông râu (lễ mừng nhà Rông mới). Nhà Rông của người Gia Rai rất đẹp mắt, cao vút, lễ hội Hơk h’mô rôông râu-lễ mừng nhà Rông mới- đều có nghi lễ đâm trâu hiến sinh, có hai lễ thức khá đặc trưng là cúng rước đầu trâu lên nhà Rông và lễ thức trồng cây Pơlang ở sân nhà Rông. Cây Pơlang đặt ở giữa cây nêu được cẩn thận đào lên, lấy ra trồng ở vị trí cố định. Từ đó cây bén rễ và phát triển, nhà Rông nào có cây Pơlang lớn nhanh, to, đẹp là làng đó có nhiều sức mạnh cộng đồng và giàu có. Cây hoa Pơlang cũng như cây Kơnia là những loại cây biểu trưng về sức sống mãnh liệt của các dân tộc bản địa Kon Tum. Lễ hội Hơk h’mô rôông râu có phần hội đan xen, liên tục cùng với các lễ thức kéo dài ba, bốn ngày liền, hòa quyện giữa các hình thái văn hóa dân gian, nét đặc trưng trong lễ hội của đồng bào dân tộc Gia Rai.

 

Cũng nằm ở phía Tây, nhưng giáp với biên giới của hai nước bạn Lào và Campuchia là nơi cư ngụ của người B’Râu và người Rơ Măm-hai dân tộc có dân số thuộc nhóm ít nhất Việt Nam - người B’Râu ở trong một làng, làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và người Rơ Măm cũng ở trong một làng, làng Le, xã Morai, huyện Sa Thầy. Mặc dù có dân số rất ít nhưng bản sắc văn hóa lại khá phong phú và độc đáo. Người B’Râu có bộ chiêng Tha nổi tiếng, chỉ có 2 lá chiêng - chiêng vợ (gọi là Chuar), chiêng chồng (gọi là Jơliêng), có 2 dùi đánh, được phân biệt rõ ràng là dùi đực (gọi là Ta lôông) và dùi cái (gọi là Jơra). Người B’Râu có lễ hội cộng đồng rất đặc trưng - lễ hội Bon Xơ Ruk (lễ hội kiêng làng) - là lễ hội đặc biệt quan trọng được tổ chức khi cộng đồng có những sự kiện, những biến động to lớn ảnh hưởng đến sự hưng vong của cả cộng đồng như cháy nhà, bệnh dịch lớn làm chết nhiều người và gia súc, núi lở, nước ngập hay mất mùa đói kém triền miên….Khi đó các già làng sẽ họp bàn thống nhất chọn ngày cho việc tổ chức Bon Xơ Ruk để cầu mong mọi điều dữ qua đi, điều tốt đẹp sẽ trở lại với con người.

 

Người Rơ Măm cũng có nhiều bộ chiêng lớn và những điệu xoang độc đáo như người Gia Rai cư trú gần họ. Lễ hội Mở cửa kho lúa hay Tết cơm mới, là một trong những lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm, đánh dấu sự hoàn tất một chu trình sản xuất nông nghiệp khô, là một trong những sinh hoạt cộng đồng tập trung, chứa đựng, chuyên chở nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và những khuôn mẫu ứng xử xã hội- cộng đồng đầy tính nhân văn. Lễ hội này thường được tổ chức vào tháng 11-12 Dương lịch, khi hạt lúa, hạt bắp, hạt kê đã được đem về cất kỹ trong nhà lúa trên rẫy, người Rơ Măm chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức lễ hội Mở cửa kho lúa.

 

Lễ hội Mở cửa kho lúa diễn ra trong 3 ngày, nhưng người ta phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần trước đó cả tháng. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả các gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu cần, gạo, trâu, bò, heo, gà... Đàn ông "lên dây chiêng", sửa lại đàn; đàn bà con gái khẩn trương dệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình để kịp mặc trong ngày hội. Thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây tre già thẳng ngọn, cây lồ ô giữa bụi để làm cây nêu; những người khác xuống sông ra núi bắt nhiều con cá to, lấy nhiều đọt cây ngọt, mây đắng cho ngày hội thêm nồng... đây là một lễ thức để tạ ơn trời đất, tạ ơn các vị Giàng đầy huyền bí đã trợ giúp cho con người có được mùa màng bội thu, đồng thời cũng là kỳ nghỉ ngơi (Ning Nơng) vui chơi của cộng đồng người Rơ Măm sau một năm vất vả với công việc mùa màng nặng nhọc, để hưởng thụ các giá trị sản vật mình làm ra, vừa là không gian thiêng của tín ngưỡng, nhưng cũng là không gian vui vẻ, thân thiện, đoàn kết- không gian văn hóa của cộng đồng.

 

Người Ba Na Kon Tum quần cư ở những vùng đất thấp nhất trên địa bàn gắn liền với thị tứ đông người, tấp nập, xung quanh thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Chỉ người Ba Na nhánh Ji lâng mới ở vùng xa hơn. Người Ba Na có vốn văn hóa dân gian cổ truyền khá đậm đà, ngoài cồng chiêng còn có nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo như đàn T’rưng, Ting glinh (đàn nước), Tingning (đàn quả bầu), Kơ ní…có nhiều làn điệu dân ca giao duyên mượt mà, đằm thắm, nhiều kiểu hát kể phong phú như Hri Nhoi (hát đồng dao), Hri Hơ’Mon, Hri HơNhoông, Hri Cheo, Hri Troôm…đặc biệt nhất là Hri Hơ’Mon (hát kể sử thi Ba Na - đã được sưu tầm, biên dịch và xuất bản thành bộ sử thi Ba Na khá đồ sộ từ năm 2006).

 

Người Ba Na có nhiều lễ hội trải dài trong năm, trong đó có lễ tục mừng sinh rất đặc sắc, một đứa trẻ chào đời, người Ba Na có hai lần tổ chức mừng sinh. Lần đầu gọi là lễ “xem por” (nuôi cơm) được tiến hành ngay sau khi đứa trẻ ra đời, người cha hoặc người mẹ đặt tên cho con. Việc đặt tên rất quan trọng và khẩn trương, bởi họ quan niệm nếu để trễ có thể các ma thần quỷ quái sẽ tranh giành đặt tên cho đứa bé trước thì sẽ không tốt, nếu cha mẹ chưa tìm được tên, bà mụ có thể tạm thời đặt tên rồi lấy sợi chỉ cột vào cổ chân, cổ tay đứa bé. Người Ba Na ít đặt tên trùng hợp với người khác, nhất là đối với người làng. Lần mừng sinh thứ hai là lễ “Hlôm đon” (lễ thổi tai). Thường là một tháng sau khi đứa trẻ chào đời, lễ thổi tai (Hlôm đon) sẽ được tiến hành, cũng là lúc người mẹ phục hồi sức khoẻ, ăn uống và hoà nhập với cộng đồng. Đồng thời, để chủ nhà cũng như bà con trong làng có thời gian chuẩn bị nấu rượu cần cho ngày lễ. Người tham dự càng đông, càng vui và tốt lành cho tương lai đứa bé. Lễ mừng sinh đối với người Ba Na rất quan trọng, là nghi lễ công nhận một thành viên mới của cộng đồng Plei.

 

Lễ hội cuối năm của các dân tộc bản địa Kon Tum là những lễ hội mừng năm mới. Người Xơ Đăng gốc-nhóm Xơ teng có lễ hội On rô pơ rông (uống rượu cần mừng năm mới) diễn ra vào đầu tháng 01 Dương lịch năm sau. Theo quan niệm của người Xơ Đăng thì đây là thời khắc nhằm xoá đi những điều không tốt đẹp của năm cũ, chào đón một năm mới may mắn hơn. Còn người Xơ Đăng nhánh T’đrá thì có lễ hội Ding nơna sơ năm nêo (Lễ mừng năm mới) được tổ chức vào khoảng cuối tháng 12 Dương lịch, là ngày hội lớn cuối năm của đồng bào như là tổng kết thu hoạch sau một mùa rẫy, đồng thời tạ ơn các Giàng, Thần đã cho mùa màng bội thu. Lễ mừng năm mới thường được tổ chức ăn mừng trong vài ba ngày liền rất linh đình, với nhiều lễ thức linh thiêng để cúng khấn thần linh và các trò diễn xướng dân gian vui nhộn đan xen, mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

 

Kon Tum, miền đất của những lễ hội cổ truyền đã trường tồn cùng thời gian, với hành trình qua trăm năm tuổi đang bước vào ngày hội lớn trước thềm Xuân Quí Tỵ - kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển - tự hào về truyền thống quí báu từ cội nguồn lịch sử do ông cha truyền lại, về Đất và Người Kon Tum hôm nay, để hướng tới ngày mai tươi sáng./.

 

Nguồn: website Kon Tum

Cùng chuyên mục