Hoạt động của ngành

Điện Biên: Phát triển nghề thủ công truyền thống phục vụ du lịch

Cập nhật: 07/03/2013 09:26:11
Số lần đọc: 3440
Điện Biên là tỉnh đa dân tộc với những sắc thái văn hóa độc đáo, đa dạng. Vì thế, việc phát triển nghề, sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống các dân tộc có vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế du lịch…

Những năm qua, việc sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, sản xuất các sản phẩm thủ công phục vụ khách du lịch tham quan và mua sắm. Nhưng số lượng các mặt hàng còn hạn chế, việc tổ chức sản xuất hầu hết được thực hiện trong các hộ gia đình và vào lúc nông nhàn, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề. Các sản phẩm còn đơn điệu về mẫu mã và chủng loại, vì vậy khả năng cạnh tranh thấp.

 

Trên địa bàn tỉnh, sản phẩm nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc được chia thành 5 nhóm: sản phẩm dệt thổ cẩm, sản phẩm mây tre đan, sản xuất các nhạc cụ truyền thống, sản phẩm kim hoàn và sản phẩm mộc mỹ nghệ. Trong đó, nhóm hàng dệt thổ cẩm, mây tre đan, các nhạc cụ truyền thống hiện nhu cầu thị trường là rất lớn nhưng mới chỉ được sản xuất một cách tự phát, manh mún trong hộ gia đình.

 

Bên cạnh đó, các làng nghề thuộc nhóm kim hoàn (bạc đồng xòe, cúc bướm, trâm cài tóc của đồng bào dân tộc Thái) và mộc mỹ nghệ chưa được quan tâm đầu tư phát triển nhiều. Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm này là khá lớn, nhưng không còn được sản xuất theo phương pháp truyền thống, chất lượng sản phẩm bạc kém đã gây ra tâm lý hoài nghi cho du khách. Trình độ thẩm mỹ và tính thương mại của sản phẩm có nhiều hạn chế, mẫu mã nhiều sản phẩm còn sao chép của nơi khác; một số cơ sở sản xuất và hộ gia đình có xu hướng sử dụng các chất liệu công nghiệp để làm sản phẩm thủ công đã làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm.

 

Tỉnh Điện Biên hiện có 8 bản văn hóa phục vụ khách du lịch được Nhà nước đầu tư hỗ trợ từ ngân sách. Còn lại là do các đơn vị HTX tự thành lập, tự loay hoay tìm cách tiêu thụ sản phẩm, mạnh ai nấy làm. Cùng với đó, hệ thống luật chưa được quan tâm; người dân và chính quyền chưa nhận thấy tầm quan trọng của luật đối với sự phát triển thương hiệu của sản phẩm.

 

Để tháo gỡ tình trạng hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát triển phải được coi trọng ngang nhau, thực hiện từng bước và khoa học. Trước hết về nhận thức, mọi người dân phải hiểu được, không thể bảo tồn nếu không đổi mới, phát triển và ngược lại. Nếu chỉ khư khư bảo tồn thì là bảo thủ, nếu chỉ chú trọng phát triển thì sẽ mất gốc và không bền vững. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan trong việc quản lý, hỗ trợ người dân cần phải có tính đồng bộ và chặt chẽ hơn. Nhà nước cần có những chính sách động viên khuyến khích và tôn vinh các giá trị cổ truyền, tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng, hỗ trợ để nâng cao cuộc sống và điều kiện làm việc của họ; tổ chức các cuộc thi tìm ra những thợ giỏi để động viên khuyến khích. Cải thiện môi trường tự nhiên, xã hội, quy hoạch xây dựng nghề truyền thống tại các bản dân tộc thu hút khách tham quan, du lịch, thúc đẩy thương mại, kinh tế phát triển; tuyên truyền nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân về nghề truyền thống của ông cha, làm cho họ hiểu được nghề truyền thống chính là hồn cốt, tinh thần và cũng là cuộc sống lâu dài của người dân là việc làm hết sức cần thiết.

 

Để tạo dựng thương hiệu cho nghề thủ công truyền thống phục vụ hoạt động du lịch; bằng các dự án, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thi sáng tác các sản phẩm quà tặng du lịch. Hiện ngành đang khôi phục, phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn theo hướng tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm tăng giá trị văn hóa bản địa thể hiện trên các sản phẩm và quảng bá hình ảnh Điện Biên đến với du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

 

Việc đưa hoạt động du lịch về với các làng nghề truyền thống sẽ không chỉ tạo ra một nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề, mà còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở địa phương bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao, đáp ứng nhu cầu du khách. Để làm được điều này, trước mắt cần có những lựa chọn hợp lý, chọn ra những làng nghề phù hợp để tiến hành quy hoạch không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi nghề, mà còn biết trình diễn và tham gia các hoạt động du lịch./.

Nguồn: Báo Điện Biên

Cùng chuyên mục