Hành trang lữ khách

Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương trên cao nguyên

Cập nhật: 22/03/2012 16:26:32
Số lần đọc: 2078
Lễ hội giỗ Tổ Vua Hùng trên cao nguyên Lâm Đồng mang âm hưởng núi rừng với nhiều bất ngờ, thú vị hấp dẫn khách thập phương.

Hàng năm vào ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, du khách thập phương tới đây không những thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên thơ mộng của Đà Lạt mà còn được chiêm bái đền Âu Lạc – thờ Quốc Tổ Hùng Vương uy nghi giữa âm thanh trầm hùng của thác nước, nhạc rừng Tây Nguyên hùng vĩ khiến tâm hồn thanh thản lạ thường.

 

Tọa lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng, ẩn mình giữa ngàn thông xanh ngắt, bên cạnh thác Prenn hùng vĩ của vùng đất Nam Tây Nguyên giàu huyền thoại là khu đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương hay còn gọi là đền Âu Lạc. Ai đã từng đến đây vào dịp giỗ Tổ sẽ không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ và thú vị khi được hòa mình vào dòng người lên dâng hương bái vọng các vua Hùng.

Khu đền thờ các vua Hùng được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XXI, ở đây có đầy đủ cả đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Tất cả đều được tạo dựng theo nguyên mẫu đền Hùng ở Phú Thọ.

 

Gỗ dựng đền được tuyển lựa từ những loại gỗ quí của rừng Tây Nguyên. Thợ xây dựng cũng là những nghệ nhân thông thạo kiến trúc cổ xưa của người Việt với tài chạm trổ, làm hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng bằng kĩ thuật và nguyên liệu truyền thống. Vị trí đền nằm ở ngọn núi có thế "long ẩn", xung quanh có "voi phục, hổ quỳ" đã tạo thêm sự linh thiêng, huyền bí nơi đây.

 

Ở đây ngoài ba đền chính (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ) thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, tổ tiên người Việt, cùng các vua Hùng, Trần Hưng Đạo, Chủ Tịch Hồ Chí Minh còn có đền Giếng nước trong mát quanh năm được xây dựng trên hố nước mạch ở đỉnh núi Phượng Hoàng cạnh đền Thượng, đền thờ thần Nông (với biểu tượng thờ là một hạt lúa khổng lồ bằng đá cuội) và công viên Âu Lạc.

 

Công viên Âu Lạc nằm ở không gian phía trước đền Thượng dẫn xuống đền Trung. Giữa công viên là hai bức tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ (cao 6m) đứng song đôi, xung quanh là 100 hòn đá cuội hình quả trứng khổng lồ, mỗi hòn có đường kính khoảng 2m và nặng trên dưới 1 tấn, được chọn lựa mang từ vùng biển Bình Thuận lên đây. Hình ảnh này nhằm gợi nhớ về cội nguồn người Việt với truyền thuyết "Con rồng cháu tiên" và "Bọc trăm trứng" của mẹ Âu Cơ.

Từ chân núi lên đến đền Thượng ở độ cao hơn 80m, du khách phải vượt qua một đoạn đường dốc ngoằn ngoèo, len lỏi dưới rừng thông khoảng 500m với 830 bậc cấp, mất chừng một giờ đi bộ. Nhưng nếu ai "gối mỏi chân chồn" thì cũng có thể leo lên những chiếc xe U - Oát mui trần để có được cảm giác mạo hiểm thú vị khi qua những khúc cua vượt dốc lên đền Hạ rồi qua đền Trung tới đền Thượng.

 

Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm ở đền Âu Lạc được tổ chức thật long trọng và công phu. Ngoài rước kiệu dâng hương, bánh chưng, bánh dày và tổ chức tế lễ được diễn ra trong trật tự và trang nghiêm; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian cũng diễn ra khá sôi nổi, náo nhiệt như: thi kiệu rước đẹp, trang trí mâm trầu cau, mâm ngũ quả, thi gói bánh chưng, làm bánh dày, giao lưu biễu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian , thi hát dân ca ba miền cùng với các trò chơi dân gian như : đu tiên, cờ người, đẩy gậy, múa sạp…

 

Hàng năm cứ vào dịp cả nước hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân Đà Lạt và các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng cũng như du khách đã cùng về tề tựu nơi đây để thắp hương tưởng niệm các vua Hùng và tham gia lễ hội.

 

Tuy thời gian xây dựng chưa lâu nhưng với địa thế linh thiêng, qui mô hoành tráng cùng những hoạt động lễ hội phong phú, đền Âu Lạc thực sự là một nơi dừng chân chiêm bái lý tưởng của du khách khi tới Đà Lạt, Lâm Đồng./.

Nguồn: Langvietonline

Cùng chuyên mục