Non nước Việt Nam

Lễ khai xuân cầu lộc và cấp sắc của người Cao Lan, Tuyên Quang

Cập nhật: 23/02/2012 08:05:43
Số lần đọc: 1875
Dân tộc Cao Lan có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú. Lễ cúng khai xuân cầu lộc và lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ tiêu biểu trong đời sống tinh thần của người Cao Lan.

Mỗi dòng họ của người Cao Lan có một tín ngưỡng riêng, do đó cách thờ cúng cũng khác nhau. Dòng họ Âu thờ Ngọc Hoàng, Phật bà Quan Âm Bồ Tát và vị thánh riêng của dòng họ. Trong lễ cúng thường có 3 đàn cúng bằng 3 bộ sách khác nhau gồm sách cúng Ngọc Hoàng, cúng Quan Âm Bồ Tát, cúng vị thánh riêng của dòng họ. Dòng họ Hoàng được chia thành các chi gồm Hoàng 10, Hoàng 2, Hoàng Vi 10, Hoàng 5. Họ Hoàng 5 lại chia thành 2 nhánh gồm Hoàng thờ Soái, Hoàng Sư. Họ Trần cũng chia ra thành Trần 5, Trần 6 và Trần Dự Lại. Họ Hoàng và họ Trần thờ Phật tổ Nam Hoa (Thích Ca Mầu Ni), ma bếp (Táo quân) và vị thánh riêng của mỗi dòng họ. Tuy nhiên, mỗi chi, nhánh lại có sách cúng khác nhau. Dòng họ nào cũng phải giữ riêng cho mình những bộ sách cúng lưu truyền từ đời này đến đời khác.


Lễ khai xuân cầu lộc

 

Lễ khai xuân cầu lộc của người Cao Lan vào tháng Giêng, thông thường cứ 3 đến 5 năm tùy theo từng gia đình có thể làm lễ một lần. Trong những ngày mồng (từ ngày 1 đến 10) thì không phải xem ngày nhưng qua ngày mồng thì phải xem ngày. Việc xem ngày để cúng hết sức quan trọng, mỗi dòng họ có ngày họa, ngày hợp khác nhau. Trước và sau lễ, gia chủ phải chay giới kiêng tránh vào những nơi uế tạp, tránh quan hệ vợ chồng, không được lội ruộng, tránh không để cho chảy máu trong vòng 7 ngày. Nếu như trong làng có người chết thì tuyệt đối không được cúng trong vòng 3 ngày. Theo quan niệm của người Cao Lan, nếu không kiêng, tránh được thì việc cúng không những không tốt mà còn có nguy cơ hại thầy, hại gia chủ.


Việc cúng lễ nhất thiết phải mời thầy. Thầy của dòng họ nào cúng cho dòng họ đấy chứ không được mời thầy khác họ về cúng. Thường trong một buổi lễ có 2 thầy và 2 đệ tử đi cùng phụ giúp. Tuy nhiên, trong vùng không phải họ nào cũng có thầy cúng, vì thế nếu họ nào không có thầy thì mời thầy họ khác nhưng phải có 1 người trong họ đứng ra gánh tên thầy thực hiện các nghi lễ thay thầy.


Lễ cúng cầu tài cầu lộc, cúng Phật nên đồ lễ là hương, hoa, ngũ quả gồm 1 bông hoa cắt bằng giấy màu trắng, 1 cây cắm ẹn (cẩm yến), tằng sam cam chi (mía trẻ khúc), trầu cau, 5 gói cơm nếp (gói bằng lá dong), 5 chiếc chén, một ấm chè và 1 ấm rượu. Giấy tiền cắt theo cổ truyền, giấy cắt hình mặt ngựa. Việc chuẩn bị đồ lễ khá công phu, tiền giấy cắt càng nhiều thì càng tốt. Trước khi sửa lễ mọi người đều phải rửa tay và tất cả dụng cụ làm lễ bằng nước thơm. Mọi vật đều tránh không được để cho dính mỡ, máu.


Sau khi sửa soạn đồ lễ xong, gia chủ thắp hương bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên thì việc lễ được bắt đầu. Phần lễ thường kéo dài khoảng 3 đến 4 giờ đồng hồ, các thầy đọc sách cúng, càng có nhiều thầy đọc thì việc lễ càng tốt.


Lễ cúng khai xuân cầu lộc đúng nghĩa theo tên gọi tức là đầu xuân cầu xin đức Phật phù hộ độ trì cho gia đình mọi người được khỏe mạnh, mùa vụ được tốt tươi, mọi việc đều hanh thông, thuận lợi.


Lễ trưởng thành và cấp sắc của người Cao Lan


Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông Cao Lan. Lễ cấp sắc cũng tương tự như lễ thành đinh của một số dân tộc khác. Đối với người đàn ông dân tộc Cao Lan phải được qua lễ trưởng thành, lễ cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, có pháp danh và có thể tiếp xúc được với người âm. Theo quan niệm, nếu người đàn ông không có pháp danh thì cho dù tuổi có cao hay thậm chí chết đi vẫn bị gọi là “thằng”.

Lễ trưởng thành hay còn gọi là lễ nhảy lửa giống như một cửa ải thách thức đầu tiên đối với một người đàn ông Cao Lan. Trong lễ nhảy lửa, thầy cúng làm một cái lò than hình chữ nhật chiều dài khoảng 1,5m, chiều rộng khoảng 0,8m, chiều cao khoảng 0,25m. Việc nhảy lửa thành công là khi hơ tờ tiền vàng qua đống than lửa cháy rực 3 lần không bị cháy và người được tham gia nhảy lửa đã “nhập đồng”. Lễ nhảy lửa đến nay vẫn được coi là điều huyền bí khó giải thích, bởi khi người ta bước qua đống than đỏ rực bằng đôi chân trần hay thậm trí lăn qua lửa mà không hề bị bỏng hay bị cháy tóc, quần áo. Lễ nhảy lửa của người Cao Lan bị mai một trong một thời gian khá dài bởi không phải người thầy nào cũng có đủ khả năng làm “phép” được. Sau 48 năm, tháng 11 năm Tân Mão 2011 vừa qua, tại làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn) đã tổ chức thành công lễ nhảy lửa do thầy cúng Âu Xuân Chu làm chủ tế. Ông Âu Xuân Chu cho biết: “Lần đầu phải mất một tuần làm lễ mới thành công, nhưng đến lần thứ 2 thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ là có thể nhảy lửa. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức thường xuyên để cho các đệ tử qua được lễ trưởng thành”.


Ông thầy trong lễ cấp sắc phải chọn thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, việc xem ngày kiêng kỵ thì cũng giống như trong lễ khai xuân cầu lộc. Người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buổi lễ cấp sắc có thể làm thủ tục cho một người hoặc vài người cũng được nhưng phải là số lẻ.


Lễ cấp sắc phổ thông của người Cao Lan đơn giản, không cầu kỳ tốn kém, việc lễ cấp sắc bắt buộc phải có phần lễ báo cáo Ngọc Hoàng, đức Phật tổ tiên chứng giám vì thế thường được tổ chức song song với lễ Khai xuân cầu lộc. Nghi lễ cúng thánh của thầy để cấp sắc bao gồm 1 bát hương, 1 bát gạo, 1 miếng vải, 1 bông hoa cắt bằng giấy màu đỏ, 3 lá cờ cắt bằng giấy, 1 hoặc 3 ngọn nến (cấp 1 đèn thì 1 ngọn, 3 đèn 3 ngọn), 1 miếng vải cầu dài, 1 cây đèn đế (để khai quang đệ tử), 36 đồng tiền 2 mặt âm dương và 3 pháp hiệu được viết sẵn ra bằng giấy vê tròn lại để trong 1 cái đĩa. Trước khi viết pháp hiệu thầy phải hỏi pháp hiệu từng người thân của gia chủ để tránh bị trùng.


Phần lễ của thầy tiến hành trong khoảng hơn 1 tiếng sau đó người thụ lễ nhận pháp hiệu và coi như đã được cấp sắc xong, tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về được với tổ tiên. Thủ tục tiếp theo là nghi lễ giữa thầy và đệ tử. Nghi lễ này gồm có việc chia quân và nối ruột giữa thầy và đệ tử. Nghi thức nối ruột là dùng mảnh vải cầu dài buộc vào bụng thầy và đệ tử. Sau khi thầy căn dặn đệ tử những điều nên làm và kiêng kỵ, thầy và đệ tử làm lễ vái Phật tổ, ra ngoài trời vái tứ phương tám hướng để chư thần chư thánh biết tên đệ tử và lễ tạ ơn thánh của thầy. Cuối phần lễ gia chủ làm 1 con gà và đĩa xôi cúng tạ ơn quan tướng của thầy. Từ đây người thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể chất cũng như tâm linh.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT