Non nước Việt Nam

Đi lễ đầu xuân - Nét văn hóa tâm linh của người Việt

Cập nhật: 17/02/2012 10:42:47
Số lần đọc: 1739
Không biết từ bao giờ, đi lễ đầu năm đã trở thành một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Với Bắc Ninh, nơi được coi là xứ sở của đình, đền, chùa và lễ hội thì mỗi độ tết đến xuân về, việc đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa để mỗi người thể hiện lòng thành, cầu mong một năm mới bình an, may mắn cho gia đình và người thân.

Bắc Ninh, ngoài những ngôi đình, chùa cổ kính nổi tiếng ở các làng, xã thờ các vị thần linh thiêng, che chở phù hộ cho dân làng, là nơi thờ phật, cầu may, hướng thiện… thì đặc biệt phải kể đến những địa danh đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (Thuận Thành); chùa Hồng Ân- núi Lim, chùa Phật Tích, chùa Bách Môn (Tiên Du); đền thờ Lê Văn Thịnh, Cao Lỗ Vương, Huyền Quang (Gia Bình); lăng Lý Bát Đế và đền Cổ Pháp, nơi yên nghỉ và thờ phụng các vị vua nhà Lý (Từ Sơn); đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ, chùa Dạm, đền thờ 18 vị tiến sỹ họ Nguyễn, Văn miếu Bắc Ninh, đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh)… không chỉ thu hút người dân địa phương mà cả du khách trong nước và quốc tế. Họ về đây, vừa để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Nhiều người cho rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu mong một năm mới may mắn, hạnh phúc cho gia đình mà đó còn là khoảng thời gian để con người hòa mình vào chốn tâm linh cho lòng thanh tịnh, bình an... Ngay sau thời khắc giao thừa hay sáng mùng 1 Tết, rất nhiều người có thói quen xuất hành lên chùa rồi mới đi thăm hỏi, chúc tết họ hàng. Đặc biệt, đến bất cứ lễ hội nào của Bắc Ninh những ngày này, dù quy mô lớn hay nhỏ, trước khi hòa mình vào phần hội, tham gia các trò chơi dân gian, người ta không quên hướng lên chùa để thắp những nén hương đầu năm. Có người lên chùa với mâm cao cỗ đầy, cũng có khi chỉ là bông hoa, nén nhang thơm tỏ lòng thành kính với tổ tiên, các bậc thần thánh, những người có công với quê hương, cầu tài cầu lộc… và cũng để tìm sự thư thái cho tâm hồn sau những ngày lao động vất vả.

  

Những nơi đặc biệt thu hút người dân và du khách thập phương nhất là các danh lam nổi tiếng, linh thiêng, vừa đi lễ, vừa được thưởng ngoạn không gian và cảnh đẹp ngày xuân. Ngôi chùa Phật Tích nổi tiếng linh thiêng là nơi hội tụ của các dòng thiền, được coi là một quốc tự của Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, cũng là nơi tu học, hành đạo của các danh Tăng, Thiền sư đương thời, luôn là điểm dừng chân của du khách, nhất là khi hội chùa Phật Tích (mùng 3, 4 Tết) là lễ hội khởi đầu cho mùa lễ hội giàu bản sắc của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc. Ngày hội, già trẻ, trai gái đến thắp hương, tụng kinh, dâng hoa quả kính lễ ken kín lối đi… Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, nơi thờ Thủy tổ của người Việt cũng là nơi con dân tìm đến dâng hương tri ân, bái lạy tổ tiên đã có công khai mở đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Cũng có nhiều ông bố bà mẹ đến Văn Miếu Bắc Ninh là nơi cầu mong cho con cháu học hành giỏi giang, đỗ đạt…

 

Từ lâu được biết đến là một trong những ngôi đền xin lộc, cầu tài có tiếng cả nước, đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) là điểm thu hút hàng vạn du khách. Nhiều người quan niệm là: Đầu năm đến xin lộc “vay” tiền, vàng của Bà Chúa Kho để về làm ăn, buôn bán, đến cuối năm đến lễ tạ và trả tiền, vàng đã “vay” của Bà Chúa. Với niềm tin và cầu mong đó của khách hành lễ, các dịch vụ cho hoạt động tín ngưỡng ở đây diễn ra hết sức phong phú, sôi động. Không kể ngày Tết, ngày rằm, mùng một mà cả ba tháng xuân, đền Bà Chúa Kho đều tấp nập, đông nghịt người đến lễ bái. Mọi người đến đây để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ một phụ nữ người làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tích luỹ lương thực, giữ gìn tài sản quốc gia hết lòng nghiêm cẩn và tín ngưỡng về bà là việc cầu xin, vay-trả phân minh… Chị Nguyễn Thị Hương (53 tuổi) ở Hoài Đức (Hà Nội), chia sẻ: “Năm nào tôi cũng về đây để thắp hương cầu cho cả gia đình một năm mới sức khỏe, bình an, mong được bà và các vị thần Mẫu phù giúp cho việc làm ăn được thuận lợi”.

 

Có thể nói tín ngưỡng đi lễ đầu năm đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tâm linh của người dân vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những tín ngưỡng tốt đẹp đó đang bị một bộ phận người dân lạm dụng làm biến thể thành mê tín dị đoan, gây ra nhiều hệ lụy. Hiểu và thực hiện đúng ý nghĩa văn hóa của việc đi lễ đầu năm là việc cần thiết với mỗi người dân góp phần đẩy lùi mê tín, dị đoan, xây dựng xã hội lành mạnh, phát triển.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT