Hoạt động của ngành

Lào Cai: Xây dựng môi trường văn hóa du lịch Sa Pa

Cập nhật: 02/12/2011 14:00:05
Số lần đọc: 2115
Để bảo vệ thương hiệu du lịch, huyện Sa Pa đã triển khai Đề án "Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, du lịch".

Khu du lịch Sa Pa sẽ văn minh hơn

 

Đề án xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại, du lịch ở Sa Pa được thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015, theo đó sẽ giải quyết được tình trạng đeo bám khách du lịch, bán hàng rong, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch ở Sa Pa. Đề án được thực hiện với mục đích: Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, tạo môi trường xã hội lành mạnh để thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

 

Để thực hiện có hiệu quả đề án, UBND huyện Sa Pa đã tổ chức tuyên truyền tại các xã có nhiều phụ nữ và trẻ em bán hàng rong, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để những người sống bằng nghề bán hàng rong có điểm bán hàng tập trung tại các địa phương. Triển khai tuyên truyền đề án đến người dân, Đoàn thanh niên và Hội Phụ nữ huyện đã tổ chức hội nghị ở 8 xã gồm: Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Hầu Thào, San Sả Hồ, Sử Pán, Sa Pả để tuyên truyền vận động, tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Phòng Văn hóa Sa Pa - cơ quan trực tiếp thực hiện các nội dung tuyên truyền cho đề án cũng xây dựng các pa nô tuyên truyền, cảnh báo chống bán hàng rong ở các khu vực thuộc xã Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ và thị trấn Sa Pa. Bên cạnh đó, để bảo tồn văn hóa các dân tộc và giới thiệu tới khách du lịch những sản phẩm riêng có, tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc, đề án  cũng đã quan tâm tới việc xây dựng các điểm bán hàng tập trung tại một số khu vực thuộc thị trấn.

 

 Kết quả bước đầu triển khai đề án đạt được đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Đến nay, không còn cảnh phụ nữ, người già, trẻ em người dân tộc đeo bám khách du lịch hàng giờ, khiến du khách có cảm giác khó chịu. Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: Đề án được thực hiện thành công, sẽ đảm bảo thu nhập của người dân bản địa cao hơn và khu du lịch Sa Pa sẽ văn minh hơn.

 

Em Lý Tả Mẩy, trước đây làm nghề bán hàng rong ở thị trấn Sa Pa cho biết: Nhà em ở Tả Phìn, nếu muốn xuống thị trấn phải đi bộ mất hàng giờ. Từ khi huyện triển khai đề án, được đoàn thanh niên tuyên truyền về việc xây dựng hình ảnh du lịch Sa Pa văn minh, ở xã em cũng có điểm bán hàng tập trung, nên em về xã bán hàng.

 

Việc làm cho người dân bản địa

 

Vấn đề giải quyết việc làm cho người bán hàng rong không phải một sớm, một chiều là xong. Vì vậy, UBND huyện Sa Pa đã xây dựng kế hoạch từng bước giải quyết việc làm cho số lao động đang sống bằng nghề bán hàng rong với lộ trình dài hơi. Bước đầu, huyện quy hoạch các điểm bán hàng tập trung tại các xã gồm: Lao Chải, Cát Cát, Bản Hồ, Tả Van. Các điểm bán hàng được bố trí nằm ở trung tâm vừa thuận lợi cho khách du lịch có nhu cầu mua quà lưu niệm, lại vừa tạo điều kiện cho người dân bản địa tham gia bán hàng, đảm bảo nhu cầu bán hàng của người dân địa phương, với diện tích khoảng 300m2/điểm. Trong quá trình đó, huyện cũng sẽ tiến hành xây chợ văn hóa, bố trí nơi bán đồ lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Sa Pa tại khu vực bến xe huyện. Sau một năm, khi chợ văn hóa hình thành, hứa hẹn sẽ là một trong những điểm nhấn của du lịch Sa Pa. Đồng thời, giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong bản địa và lao động từ nơi khác đến định cư ở Sa Pa. Cùng với đó, huyện Sa Pa sẽ chú trọng phát triển hình thức du lịch cộng đồng tại một số xã có tiềm năng.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa thì việc mở rộng hình thức du lịch cộng đồng, là yếu tố quan trọng giúp du lịch Sa Pa phát triển một cách bền vững. Điều mà ngành chức năng huyện Sa Pa quan tâm nhất vẫn là làm sao để người dân bản địa sống được bằng chính sản phẩm du lịch của địa phương. Không dừng lại ở đó, huyện Sa Pa cũng sẽ quan tâm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ bán hàng, kỹ năng Marketing cho người dân. Nhiều lớp học tiếng Anh được tổ chức tại địa phương, giúp đồng bào dân tộc nâng cao kỹ năng làm du lịch: từ kỹ năng hướng dẫn viên, phục vụ khách du lịch, đến kỹ năng mời chào khách mua hàng…

 

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Đề án "Xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động thương mại và du lịch" ở Sa Pa là chủ trương đúng, trước hết là đối với ngành du lịch của Sa Pa. Có thể bước đầu, việc giải quyết việc làm cho số lao động làm nghề bán hàng rong sẽ gặp khó khăn, nhưng đề án được thực hiện chắc chắn thương hiệu du lịch Sa Pa sẽ được nâng tầm.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục