Hoạt động của ngành

Nam Định: Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa ở Ý Yên

Cập nhật: 01/09/2011 09:19:00
Số lần đọc: 2768
Trên địa bàn huyện Ý Yên hiện có 499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 35 di tích được xếp hạng cấp Bộ và cấp tỉnh. Nhiều năm qua, việc tu bổ, phục dựng, khai thác các di tích lịch sử văn hóa cách mạng đã phát huy giá trị của di tích thông qua việc tổ chức lễ hội.
Đền Độc Bộ
Hằng năm, các lễ hội gắn với các di tích ở huyện Ý Yên được tổ chức chu đáo, tạo sự phấn khởi trong nhân dân. Tiêu biểu là 7 lễ hội lớn: Lễ hội đền Mờm, xã Yên Trị được tổ chức để tưởng nhớ và ôn lại chiến công của 2 vị tướng thời Trần là Đặng Tất, Đặng Dung. Nét độc đáo của lễ hội là màn đua thuyền chiến, diễn lại cảnh 2 vị tướng đánh giặc trên sông; ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa thể thao như kéo co, vật dân tộc, cờ người, bóng chuyền... Lễ hội đền Độc Bộ xã Yên Nhân thờ Triệu Việt Vương được tổ chức vào 13-8 âm lịch, với lễ rước kiệu của các làng và tế tam giang (tế ở ngã ba của 3 con sông: sông Đào, sông Sắt và sông Đáy). Lễ hội Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ở Yên Đồng tổ chức vào 4-3 âm lịch gắn với tục thờ Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội làng Ninh Xá, xã Yên Ninh tưởng nhớ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Lễ hội làng đúc Tống Xá, xã Yên Xá tổ chức 3 năm một lần vào 10-2 âm lịch tưởng nhớ ông tổ nghề đúc Nguyễn Minh Không. Lễ hội đình Ruối xã Yên Nghĩa tổ chức vào 10-11 âm lịch tưởng nhớ Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh… Trong các lễ hội thường tổ chức giao lưu văn nghệ, diễn các tích trò và các trò chơi dân gian, góp phần giáo dục truyền thống.

Ngoài các di tích gắn với các lễ hội lớn, ở Ý Yên còn có các di tích cổ từ thời Lý gồm đình - chùa Ngô Xá và tháp cổ Chương Sơn ở chân núi Ngô Xá, xã Yên Lợi. Theo tài liệu, tháp có độ cao 75m. Năm 1967, Cục Bảo tồn Bảo tàng đã khai thác được nhiều hiện vật gồm đồ đá, đồ đất nung là những chiếc rìu đá hình thang có hai vai vuông, hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Trung ương. Trong khu vực di tích cổ có tượng Adiđà đã được phục chế nguyên bản trưng bày tại Bảo tàng Ý Yên. Di tích đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến thờ vua Đinh Tiên Hoàng được xây dựng từ thế kỷ thứ X. Tại nơi đây, ngày 13-8-1958, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong xã. 13 năm sau, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Hiện tại di tích này đã được cán bộ nhân dân tôn tạo, xây dựng thành cụm di tích gồm Đài tưởng niệm Bác Hồ, Nhà lưu niệm Bác Hồ và tượng Bác Hồ cao hơn 2m, Nhà bia Anh hùng liệt sỹ. Với phương châm xã hội hoá, đến nay các di tích trên được phục dựng ngày càng khang trang, góp phần vào việc giáo dục truyền thống. Tại Bảo tàng Ý Yên hiện đang trưng bày trên 200 cổ vật, hiện vật từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng, thời kỳ cách mạng, thời kỳ đổi mới, trong đó có nhiều hiện vật quý thời Lý, thời Trần như tượng Phật Adiđà, bệ đá đài sen… Đây là một trong những bảo tàng cấp huyện quy mô nhất tỉnh. Bảo tàng mở cửa vào thứ 2 và thứ 4 hằng tuần đón cán bộ, nhân dân vào tham quan nhằm phát huy giá trị các hiện vật lịch sử văn hóa của quê hương. Phòng Văn Thể huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, Phòng GD và ĐT huyện tổ chức cho các học viên, học sinh trong huyện đến tham quan tìm hiểu lịch sử truyền thống tại bảo tàng. Hằng năm, Bảo tàng Ý Yên còn đón nhiều sinh viên khoa Sử, khoa Hán Nôm Trường Đại học KHXH và NV, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội về nghiên cứu, tìm hiểu.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cách mạng trên địa bàn huyện góp phần phục vụ công tác giáo dục truyền thống trong nhân dân, Phòng Văn Thể huyện và chính quyền các địa phương cần quan tâm quản lý tốt các di tích đã được xếp hạng, đồng thời đầu tư nâng cấp các di tích để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân./.

Nguồn: Báo Nam Định

Cùng chuyên mục