Hành trang lữ khách

Khám phá nhóm đền tháp Chăm Pô Dam, Bình Thuận

Cập nhật: 06/05/2011 14:57:58
Số lần đọc: 2328
Nhóm đền tháp chăm Pô Dam (còn gọi là Pô Tằm) tọa lạc dưới chân núi Ông Xiêm, thuộc địa phận xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong có niên đại nửa cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX. Nhóm đền tháp này bao gồm 6 tháp, hiện nay chỉ còn lại 3 tháp tương đối nguyên vẹn, còn 3 tháp khác bị sụp đổ.

Nhóm tháp Bắc còn lưu giữ bệ thờ Linga-Yoni bằng đá xanh tượng trưng cho thần Shiva với hình dáng và kết cấu giống như ở Pôshanư nhưng nhỏ hơn nhiều. Nhóm tháp Nam gồm 3 tháp khác với nhóm Bắc từ kỹ thuật xây dựng, trang trí nghệ thuật và nội dung thờ phụng. Nhóm Bắc được xây dựng để thờ vua Pô Dam, vị vua trị vì Vương quốc Chămpa từ 1433-1460. Vị vua này có công giúp dân làm các hệ thống thủy lợi nổi tiếng trong vùng, hiện nay còn phát huy tác dụng ở vùng Tuy Phong, Bắc Bình. 

Thông thường các tháp Chăm thường xây cửa chính trở về hướng Đông nhưng nhóm tháp Pô Dam tất cả các cửa đều quay về hướng Nam. Điều đặc biệt khác là cả 6 tháp trong nhóm tháp Pô Dam đều nhỏ và thấp hơn các tháp chăm khác (cao nhất 7- 8m, mỗi cạnh đáy 3-3,5m). Kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí tập trung chủ yếu ở tháp chính (tháp C nhóm Bắc). Tháp Pô Dam là nơi thực hiện nghi lễ thờ cúng Vua Chăm hằng năm của người Chăm Phú Lạc và các vùng lân cận. Hiện những dòng tộc là hậu duệ của vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các vua thời triều Nguyễn phong tặng Vua Pô Dam. Di tích này đã được Nhà nước xếp hạng kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục