Hành trang lữ khách

Trò chơi dân gian vùng đất Tổ

Cập nhật: 09/04/2011 08:49:52
Số lần đọc: 2315
Đất Tổ là vùng trung du nửa đồi núi, nửa châu thổ vùng cao, nơi phát tích của người Kinh Việt, dân tộc chủ thể của cả Tổ quốc Việt Nam.

Theo lý thuyết địa - chính trị, trung du là xuất phát điểm địa lý của sự hình thành những Nhà nước đầu tiên - sơ khai thôi - trên thế giới như vùng cao nguyên và bình nguyên hoàng thổ của người Hoa Hạ, như vùng Găngga Inđuýt của người Ấn Độ...

 

Ở đó có một tâm điểm thiêng liêng như đền Vua Nghiêu ở Sơn Tây của người Hoa, như Đền Hùng của Phú Thọ của người Việt. Bệ đỡ vật thể là những nền văn hóa đá mới - sơ kỳ kim khí của những người làm nghề nông - trồng trọt - chăn nuôi.

 

Còn về tâm linh là sự thờ cúng Tổ tiên, những vị thủ lĩnh thủa xa xưa... Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.

 

Vùng ngã ba sông, như Bạch Hạc - Việt Trì, là vùng tụ thủy, tụ nhân, hội tụ và tỏa sáng văn hóa - văn minh mấy nghìn năm trước. Nói như F.Enghen vĩ đại thì "sợi dây liên kết văn minh là Nhà nước".

 

Một thành tựu lớn của khảo cổ học VN mấy chục năm qua là đã phát hiện, khai quật, nghiên cứu được một mạng (Net), một chuỗi diễn hóa (volutive chain) của những nền văn hóa quanh khu vực Đền Hùng - trung du châu thổ vùng cao: Phùng Nguyên - Gò Đậu - Gò Mun - Đông Sơn... phát sáng rất sớm ở lưu vực sông Thao - Nhị, bán đảo Đông Nam Á.

 

Thể chế xã hội nào cũng phải có Lễ. Lễ là trật tự xã hội (Social order), là nghi thức thờ cúng, quy định không gian thiêng, thời gian thiêng, vật thiêng (đồ thờ, cờ phướn...) lời nói, âm thanh thiêng (lời cầu nguyện, văn cúng).

 

Văn hóa tâm linh VN cổ truyền nghiêng về cúng giỗ, kỷ niệm ngày mất của con người hơn là mừng sinh nhật. Giỗ Tổ là Lễ. Và kèm theo cùng với Lễ là Hội. Hội hè đình đám, hội tụ con cháu, bà con lối xóm, hàng xóm láng giềng, dân làng, liên làng và siêu làng, cả nước...

 

Hội tụ cúng giỗ thì có Ăn Uống, nói chữ nghĩa ra là có văn hóa ẩm thực. Cỗ bàn khác, sang trọng hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn bữa ăn ngày thường. Ngày thường có cơm tẻ, khô khoai sắn, rau cỏ... Mâm cỗ cúng phải có xôi, có thịt. Lệ là như vậy. Ngày thường thế nào xong thôi, cúng giỗ không thể tùy tiện được.

 

Lễ hội có Ăn và có Chơi. Người nước ngoài rất thích cái từ kép ăn chơi của người Việt. Xuân ăn chơi, hội hè. Cả năm lam làm, lam lũ. Phải có nghỉ ngơi, xả láng... để khôi phục thế quân bình động... Thái Bình mở Hội Xuân/ Nô nức quyết xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện (miếu)/ Trò thưởng vật ngoài sân.

 

Miếu - Đình - Đền là không gian thiêng, dành cho Lễ. Sân, ngoài sân là không gian thế tục, dành cho Hội, cho Chơi. Nói là nói như vậy thôi, nhưng thật ra cũng có trò chơi nghi lễ. Rước xách "kiệu bay", múa cờ, múa kiếm "hầu thánh" chẳng hạn...

 

Người xưa thờ thần Núi, thần Sông, mẹ Đất... Rồi "Chữ nghĩa hóa" thành Sơn Tinh - Tản Viên, Thủy Tinh Long Thần, Mẫu thoải "Tam - Tứ phủ công đồng"...

 

Với thời gian, Thần Núi được đồng nhất với các Vua Hùng, thì cứ đọc ở bài vị ở Đền Hùng thì biết: "Đột ngột Cao Sơn - Cổ Việt Hùng thị thập bát thế"... Rồi Ất Sơn, Viễn Sơn... Cái tự nhiên được xã hội hóa, Đế vương hóa... Từ sớm xưa đến muộn mằn về sau...

 

Lễ hội vùng đất Tổ - Đền Hùng vẫn nằm trong phạm vi nghi thức nông nghiệp. Hội mùa nay được nâng lên thành Quốc lễ. Cách Đền Hùng khoảng 10km, ở di chỉ Gò Mun, Tứ Xã (cách ngày nay khoảng 3000 năm) - nơi có Trò Trám đã tìm thấy một hầm thóc mục. Còn Đền Hùng ngày trước (trước 1917 năm đại trùng tu Đền Thượng) vẫn thờ "Hạt Lúa Thần", tạc bằng đá khổng lồ.

 

Đêm ba mươi giao thừa, trai làng cất "tiếng hú", trống chiêng rầm rĩ... Thì ý nghĩa cũng là báo hiệu thời điểm chuyển giao năm cũ - năm mới. Mồng sáu tháng giêng, sắp đến ngày "Khai hạ", "Hạ nêu" thì có trò "Chạy tùng rí" mỗi làng cử ba người gánh ba gánh thóc, trên có để nắm xôi "Tết Lúa" (như tết cau trầu ngoài vườn, trâu bò trong chuồng, trại), chạy ba vòng quanh sân đình. Chiêng trống. Rồi dân làng hùa nhau xô vào cướp lấy những bông lúa cầu được mùa.

 

Tín ngưỡng nông nghiệp bao giờ cũng gắn sự phồn thực gái - trai với sự cầu được mùa. Động tác tính giao được "tượng trưng" hóa. Bánh chưng ngày xưa được gói hình trụ, tượng trưng "dương vật", bánh dày được coi là "âm vật". Âm dương giao hòa. "ông Khiu" cầm bánh tày dúi vào "Oa" (vùng trũng) ba lần. "Bà Khiu" tung bánh tày xuống sân đình, ai cướp được thì hy vọng chóng có con trai "nối dõi". Hoặc một "kiểu chơi" khác là lấy "chày tay dài" đâm xuống nong nia. Vẫn là "chuyện ấy", "cái ấy" cả thôi. Nhưng mà thành trò vui. Và lý thuyết trò chơi là chơi thôi, biểu tượng thôi, không "làm thật" như trai gái thủa xa xưa nữa...

 

Rồi cái đó lại được "lịch sử hóa" thành lễ"rước Chúa Gái" (Công chúa Ngọc Hoa con gái Vua Hùng lấy "Thánh Tản Viên" Ba Vì) về nhà chồng thì... hơi buồn nên "đâm chày vào nong" cho Chúa Gái vui vẻ mà về non Tản...

 

Làng Tứ Xã nơi có di chỉ Gò Mun quê hương Trò Trám - và nhiều nơi khác vùng đất Tổ - thì cái "vật thiêng" "nõ nường" (hay xoan trọng) "lễ mật" nửa đêm ngày 11 tháng giêng "đâm vông (xoan) vào mo". Trò chơi này "tục mà thanh, thanh mà tục" bàn dân thiên hạ ai mà chẳng hiểu. Như chuyện "tiếu lâm" (rừng cười) ấy mà.

 

Cố PGS Từ Chi - vì là người Huế tài hoa nên có sự "giải mã" "giải thiêng" tuyệt vời về "cây mía" gậy chống của ông vải (vãi) sau khi xem Trò Trám sáng sớm ngày 12 tháng giêng, tôi nhớ đại ý như sau:

 

“Ngày tết nhà nhà mua hai cây mía còn cả gốc và ngọn đặt ở hai bên bàn thờ tổ tiên. Ngày nhỏ hỏi ông bà tôi về ý nghĩa hai cây mía thờ, thì ông bà tôi bảo: Đây là gậy chống của ông Vải con ạ! Biết vậy, sau này lớn lên, học và làm dân tộc học mới biết ở Mê-la-nê-di Mía-Khoai (hoặc "cụm" (bó) Lúa) là nghi thức Phồn thực. Lễ tết trung tâm của Trò Trám là đám diễn xướng của dân làng rước cây mía để cả ngọn với nguyên một "cụm" lúa trên ngọn mía. Bảo là "trò" thì cũng đúng, bảo là "nghi thức phồn thực" thì có vẻ "khoa học" hơn, ông Vượng ạ!”

 

Đấy, Gò Mun - Tứ Xã - Trò Trám theo chúng tôi hiểu là như vậy. Ai có ý kiến khác thì chúng tôi sẽ lắng nghe và suy nghĩ lại...

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục