Hành trang lữ khách

Khám phá du lịch đất Phượng Hoàng

Cập nhật: 06/04/2011 09:04:44
Số lần đọc: 2272
Yên Dũng nằm ở phía Nam của tỉnh, có dãy núi Nham Biền huyền thoại với 99 ngọn chạy từ hướng Đông sang Tây; phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cầu; phía Đông giáp tỉnh Hải Dương với ranh giới là Lục Đầu Giang. Cùng đó là sông Thương thơ mộng hiền hòa chảy qua, hàng năm cung cấp nhiều phù sa mầu mỡ, góp phần hình thành nên những vùng tụ cư sinh sống dọc triền sông. Sông và núi cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa đã làm nên một Yên Dũng vừa cổ kính, vừa sơn thủy hữu tình.

Trong những năm gần đây, du lịch Yên Dũng được biết đến với nhiều loại hình hấp dẫn. Nổi bật là du lịch tâm linh chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên là địa chỉ thu hút đông đảo du khách. Đây là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng từ thế kỷ 13- di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nổi tiếng trong cả nước bởi nét độc đáo, riêng biệt. Chùa tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam, sông Thương và nhìn ra ngã ba phía Lục Đầu Giang, vùng Cẩm Lý (Lục Nam), cửa ngõ vào núi Yên Tử. Bao quanh là dãy núi Cô Tiên, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo-Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương). Đặc biệt, đây chính là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo trong cả nước, kiến trúc khác hẳn với những ngôi chùa thông thường với Tam Bảo - nhà thờ tổ đệ nhất (thờ 3 vị sáng lập thiền phái Trúc Lâm) và sau cùng là nhà thờ tổ, gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng pháp và nhất là kho ván kinh (Mộc bản kinh Phật) với hàng ngàn bản đang được Tổ chức Khoa học - Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) xem xét để công nhận là di sản tư liệu thế giới. Hàng năm chùa đón hàng nghìn du khách đến thắp hương, vãn cảnh. Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng còn có chùa Kem (xã Nham Sơn) được xây dựng từ năm 1075; đền Thanh Nhàn (xã Nham Sơn) - thờ Trần Thủ Độ; đình, chùa, nghè Lũ Phú, xã Xuân Phú… Cùng với du lịch tâm linh, đến Yên Dũng, du khách có thể tham quan dãy Nham Biền hùng vĩ với 99 ngọn lớn nhỏ hợp thành, đan xen với nhiều tên gọi như: hòn Giữa, Neo, Cột Cờ, Ông Đống, Trói Trâu, Con Voi… Đặc biệt, đỉnh cao nhất là đỉnh Vua Bà, với đá cát kết lớn, đá gan trâu, gan gà ghềnh đỏ… Từ sườn núi có vô số khe nước nhỏ chảy xuống chùa Nguyệt Nham rồi hoà vào sông Thương.

 

Bên cạnh thắng cảnh thiên nhiên ban tặng gắn liền với nhiều câu chuyện cổ tích huyền bí, Yên Dũng còn có lợi thế phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Du khách có thể bơi thuyền trên sông, hồ, đánh bắt cá, chế biến những món ăn đồng quê. Trong đó nổi bật là đặc sản cua da, không sống ở biển, đồng ruộng mà chỉ có ở sông Cầu, sông Lục Nam với hương vị thơm ngọt, đậm đà. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm đậm chất quê như gốm làng Ngòi, bánh đa Cảnh Thụy, bánh dày Xuân Phú, tương Trí Yên…

 

Để quản lý và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, những năm gần đây, Yên Dũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp, phối hợp với các cấp, ngành đầu tư nâng cấp, sửa chữa làm mới một số tuyến đường giao thông như tuyến đường 398 từ Đồng Việt đến thành phố Bắc Giang; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường 398 sang quốc lộ 18, đoạn chạy qua địa bàn với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Hàng năm Yên Dũng huy động  hàng chục tỷ đồng trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; khôi phục làng nghề truyền thống như gốm làng Ngòi, làng mộc Đông Loan (xã Lãng Sơn), mây tre đan Thuận Lý (xã Tiến Dũng). Đặc biệt khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể như:  nghệ thuật chèo truyền thống, hát ca trù, quan họ… Ngoài ra, huyện phối hợp tốt với ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong việc khai thác tiềm năng các điểm du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao cấp tỉnh trên địa bàn; chú trọng tổ chức khôi phục các nét truyền thống trong lễ hội xuân… Hiện Yên Dũng đã hình thành khu vui chơi giải trí Nham Biền (thị trấn Neo) diện tích khoảng 3ha gồm bể bơi, sân trượt cỏ, khu ẩm thực, khu vui chơi cho trẻ em…

 

Tuy nhiên, Yên Dũng chưa có nhiều sản phẩm du lịch điển hình; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ gắn liền với mỗi điểm du lịch còn ít. Trong khi đó, cả chất lượng và số lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đều thiếu. Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, các điểm du lịch khác chưa nằm trong tua, tuyến du lịch trọng điểm nào của tỉnh dù Yên Dũng có vị trí địa lý thuận lợi và khá quan trọng trong phát triển du lịch ở phía Tây dãy Yên Tử. Chính vì vậy, để du lịch ở vùng đất Phượng Hoàng - Yên Dũng thực sự phát huy được tiềm năng sẵn có, trước hết cần phải thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích. Xây dựng được chính sách khuyến khích, hỗ trợ các làng nghề truyền thống như: gốm, mây tre đan, mộc… Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Ngoài ra cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ để kêu gọi đầu tư, tăng cường quảng bá; đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới…

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục