Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Phú Vang khai thác các tour du lịch mới

Cập nhật: 21/03/2011 08:30:28
Số lần đọc: 3328
Gần đây, sự hình thành các tour du lịch trải nghiệm vùng đầm phá được đánh giá là một loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn, thích hợp với các đối tượng khách thích loại hình du lịch sinh thái, tìm hiểu cuộc sống của người dân và bản sắc văn hoá địa phương, vùng, miền. Tuy nhiên mới ở giai đoạn hình thành nên người dân chưa có nhiều kiến thức về du lịch và kỹ năng đón tiếp du khách.

Để tạo tiền đề về kỹ năng đón tiếp du khách, vừa qua Cty Lữ hành Hương Giang, Huetourist đã phối hợp với UBND xã Phú Mậu, huyện Phú vang (Thừa Thiên Huế) tổ chức tập huấn làm du lịch cho người dân làng nghề Phú Mậu bao gồm những người thợ, người nông dân làng nghề chuyên làm hoa giấy, trồng hoa của Thanh Tiên và những nghệ nhân làm tranh làng Sình được hiểu biết về du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, về cách làm du lịch, cách trình diễn giới thiệu nghề với khách.

Với mục đích, lợi ích của loại hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với trách nhiệm của người dân địa phương là tạo thêm sản phẩm du lịch mới, giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ của địa phương, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để hình thành tuyến du lịch mới về làng nghề Phú Mậu, những doanh nghịêp du lịch đã phối hợp với chính quyền địa phương và đặc biệt là những người dân, nghệ nhân tâm huyết với nghề, phát triển nghề cùng nhau thảo luận, khảo sát thực tế để chọn điểm đến trong tuyến du lịch. Không ai khác mà chính người dân làng nghề là chủ nhân, là linh hồn của tuyến du lịch sẽ mang đến cho du khách những nét văn hoá truyền thống, những phong tục, lối sống, giới thiệu về những di tích danh thắng địa phương; hoặc thao tác trình diễn giới thiệu về nghề truyền thống của mình. Họa sỹ Thân Văn Huy, một người dân làng Thanh Tiên rất tâm huyết với nghề và rất hăng hái tham gia đóng góp để hình thành nên tour du lịch làng nghề của địa phương mình. Ngôi nhà rường khang trang với khu vườn đẹp bên dòng sông Hương của ông trở thành điểm tập huấn và cũng được chọn là điểm đến trong tour du lịch này.      

Thanh Tiên, làng Sình ở Phú Mậu là những làng nghề truyền thống có tiếng của Thừa Thiên Huế với nghề làm hoa giấy và vẽ tranh mộc bản. Với những nét đẹp truyền thống của một làng quê cuối dòng Hương, cùng với những điểm di tích danh thắng nơi đây sẽ tạo nên tuyến du lịch lý tưởng để giới thiệu đến du khách, tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng mới cho du lịch Thừa Thiên Huế. Bao ấp ủ tâm huyết của các nhà làm du lịch ở Huế trong những năm qua, họ đang từng bước cùng người dân làng nghề nơi đây xây dựng một tuyến du lịch mới. Cty Lữ hành du lịch Hương Giang đã giúp cho người dân làng nghề cách thức làm du lịch như: hình thức giao tiếp đón khách; các vấn đề về môi trường tại các điểm đón khách; phương pháp thuyết minh tại điểm du lịch; phương pháp tiếp cận cộng đồng tại các làng nghề; sự hợp tác giữa cộng đồng trong từng làng nghề, cũng như thống nhất một số vấn đề về giá dịch vụ, lộ trình, chọn mô hình phù hợp trong tuyến du lịch làng nghề mà chính họ là những chủ nhân. Đây sẽ là cơ sở quan trọng ban đầu nhằm hướng đến hoàn chỉnh tuyến du lịch làng nghề truyền thống tại Phú Mậu, tạo sản phẩm du lịch mới trong tương lai mà chính người dân làng nghề sẽ là chủ nhân. Theo thiết kế lộ trình mở, tour sẽ bắt đầu xuất phát bằng thuyền rồng hoặc chèo thuyền từ bến Toà Khâm qua Cồn Hến, phố cổ Bao Vinh, cập bến Tiên Nộn (hoặc làng Sình). Sau đó đi bằng xe máy (hoặc xe đạp) vào làng nghề; tham quan làng quê, tìm hiểu cuộc sống người dân, nghề trồng hoa, xem trình diễn nghề, và thăm một vài di tích như đình làng, chùa cổ…Tiếp đó lên ô tô để đưa những du khách sau chuyến khám phá thú vị về lại thành phố.      

Cùng với làng nghề truyền thống ở Phú Mậu, huyện Phú Vang còn có một số làng nghề cần đưa vào tuor, tuyến du lịch như tour du lịch sinh thái đầm phá từ Thuận An về Vinh Hà, làng đan lát Hà Thanh-Vinh Thanh, làng chế biến nấm Phú Lương, làng chằm nón Phú Hồ…. Tất cả các điểm đến này sẽ góp phần làm đa dạng thêm sản phẩm cho ngành du lịch Phú Vang nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa khai thác tiềm năng phong phú và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.

Nguồn: NetCoDo

Cùng chuyên mục