Hoạt động của ngành

Lạc Thuỷ (Hòa Bình): Khai thác thế mạnh về du lịch

Cập nhật: 15/03/2011 15:03:45
Số lần đọc: 4554
Là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trong những năm gần đây, Lạc Thuỷ đã tích cực khai thác thế mạnh về du lịch, thu hút hàng trăm nghìn khách thăm quan du lịch mỗi năm và trở thành địa bàn du lịch trọng điểm của Hòa Bình.

Cho đến nay, Lạc Thủy đã có 4 di tích cấp quốc gia gồm quần thể di tích chùa Tiên, Khu di tích nhà máy in tiền đầu tiên, hang Luồn, hang Đồng Thớt, 4 di tích cấp tỉnh và trên 20 di tích có quyết định bảo vệ của UBND tỉnh. Các loại hình du lịch đặc biệt phong phú bao gồm cả thắng cảnh tự nhiên, di tích lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Trong đó, riêng quần thể chùa Tiên (Phú Lão) là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia với 17 điểm động, trong đó có quán Trình, đền Mẫu, chùa Tiên và 14 động tự nhiên tuyệt sắc như: Tam Toà, Linh Sơn, Suối Bạc, Mẫu Long…Trong năm 2010, Lạc Thủy đã thu hút 400.000 khách về tham quan, riêng ngày khai hội chùa Tiên đã thu hút 8.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 26.150 tỷ đồng.

 

Ông Đinh Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết: Huyện ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó, xác định đa dạng ngành dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển những loại hình du lịch. Tiến hành từng bước quy hoạch phát triển du lịch của huyện và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trọng điểm, xây dựng làng nghề thủ công mỹ nghệ ở thị trấn Chi Nê và các vùng phụ cận. Phấn đấu đến năm 2015, doanh thu từ du lịch - dịch vụ chiếm 39,5% tổng thu nhập và đón 80.000 lượt khách tham quan. Trong năm 2010 đã tiến hành đầu tư hạ tầng cho quần thể chùa Tiên trên 40 tỷ đồng, khu di tích nhà máy in tiền trên 36 tỷ đồng.

 

Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Mạnh Khỏe, trưởng phòng VH-TT, phát triển du lịch ở Lạc Thủy vẫn còn một số khó khăn như: hệ thống cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, quốc lộ 21 chậm được cải tạo, nâng cấp. Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 19 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn. Khu du lịch chùa Tiên chưa có hình thức quản lý phù hợp, chưa có quy hoạch chi tiết nên chưa tạo được sự đồng bộ trong xây dựng, quản lý, thu hút các nguồn lực đầu tư. Khu di tích hang Luồn, hang Đồng Thớt mặc dù có tiềm năng lớn nhưng việc khai thác còn hạn chế. Trong chiến lược phát triển du lịch thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Quý cho biết: Huyện đang chỉ đạo các cấp, ngành từng bước xây dựng bộ máy quản lý về du lịch, thành lập ban quản lý di tích, thắng cảnh. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch, từng bước đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; tăng cường chất lượng phục vụ, các dịch vụ vui chơi giải trí; kêu gọi các nhà đầu tư tích cực khai thác thế mạnh, tiềm năng; liên kết với các huyện, tỉnh khác xây dựng các tour du lịch. Với những phương hướng ấy, huyện đang từng bước đánh thức tiềm năng, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, hình thành các trung tâm du lịch với loại hình đa dạng.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục