Ðầu tư Du lịch

Quảng Nam: Gần 24 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích

Cập nhật: 10/03/2011 08:20:13
Số lần đọc: 5095
Sáng 9/3, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý di tích năm 2010. Đại diện Ủy ban Nhân dân, Phòng văn hóa, thể thao của 18 huyện, thành phố đã đến dự.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 332 di tích các loại, gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt được ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới, 50 di tích quốc gia, 280 di tích cấp tỉnh, ngoài ra còn có 134 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ. Trong năm 2010, công tác quản lý, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích đã có những tiến bộ rõ nét. Nhiều mô hình quản lý di tích hiệu quả được các địa phương áp dụng như sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng một số lễ hội truyền thống gắn với di tích nhằm thu hút, phát triển du lịch; đưa nội dung quản lý, tu bổ di tích vào chấm điểm xếp loại các danh hiệu thôn văn hóa, xã văn hóa và tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hàng năm…

Năm 2010 đã có gần 24 tỷ đồng được đầu tư tu bổ di tích, riêng 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn đã có gần 18 tỷ đồng được đầu tư, trong đó tổng kinh phí đầu tư tu bổ di tích cho Hội An là 16,418 tỷ, khu đền tháp Mỹ Sơn gần 1,4 tỷ, số tiền còn lại chủ yếu được đầu tư tu bổ các di tích cấp quốc gia như Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (Phú Ninh – 2,1tỷ đồng); địa đạo Phú An – Phú Xuân (Đại Lộc – 2,3 tỷ đồng); hạ tầng nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành – 1,3 tỷ đồng)…. Ngoài ra, 111/280 di tích cấp tỉnh cũng đã được dựng bia hoặc nhà tưởng niệm, nhiều di tích khác đã có nhân viên bảo vệ thường xuyên… cùng hàng chục di tích cấp tỉnh được nhân dân tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng để tôn tạo, trùng tu. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn 107 di tích xuống cấp cần được tu bổ khẩn cấp.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài cho biết, việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích luôn là vấn đề quan tâm của Sở trong năm qua không chỉ nhằm gìn giữ di sản tiền nhân để lại mà còn hướng đến việc phát triển du lịch, cải thiện cuộc sống của người dân trong vùng có di tích. Trong thời gian tới, bên cạnh việc rà soát phân loại lại tất cả các di tích nhằm xác định di tích nào cần tu bổ, di tích nào cắm bia bảo vệ thì cần có sự phân cấp rõ ràng trách nhiệm từng cấp ngành trong việc quản lý di tích, gắn việc quản lý di tích với việc chấm điểm thi đua danh hiệu của từng địa phương. Đặc biệt, “cần xác định rõ quy chuẩn tu bổ di tích tránh trình trạng không có tiền di tích xuống cấp, nhưng có tiền di tích cũng bị biến dạng do quá trình tu bổ không đúng với hiện trạng gốc ban đầu”.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT