Hoạt động của ngành

Di sản văn hóa Lạng Sơn trong thời kỳ hội nhập

Cập nhật: 23/11/2010 08:11:18
Số lần đọc: 1994
Khi nói đến di sản văn hóa (DSVH) thì trước hết cũng cần phải hiểu DSVH là gì. Bởi lẽ, khi có được sự hiểu biết sâu sắc và thấu đáo thì chúng ta mới có thể bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn DSVH của quê hương, đất nước, dân tộc được hiệu quả. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập hôm nay thì vấn đề bảo tồn và phát huy DSVH càng được đặt ra cấp thiết hơn.

Theo Luật DSVH Việt Nam, DSVH quy định tại Luật này bao gồm DSVH phi vật thể và DSVH vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, DSVH phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. DSVH vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

 

Căn cứ vào những nội dung trên, đối chiếu với vốn DSVH của quê hương, có thể thấy rằng, Lạng Sơn có khối lượng DSVH khá đồ sộ, phong phú và đa dạng, trở thành nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương; đặc biệt là phát triển du lịch – một trong những lĩnh vực mũi nhọn đã được tỉnh xác định trong quá trình phát triển. Cụ thể, phương hướng nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã nêu: tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại, dịch vụ, du lịch, xem đây là lĩnh vực mũi nhọn, là khâu đột phá trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Quả thật, khi chúng ta khai thác giá trị các DSVH một cách khoa học, hiệu quả thì đây sẽ thực sự là một nguồn lực lớn phục vụ cho sự phát triển. Đơn cử dễ nhận thấy nhất, trên phông nền VH, nhiều loại hình DL đã trở nên thân thiện, ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu đậm hơn trong du khách. Do đó, công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn DSVH quý báu mà quê hương, dân tộc đang sở hữu càng mang tính thời sự sâu sắc.

 

Thời gian qua, đi đôi với việc khai thác, phát huy vai trò, giá trị của các DSVH trên quê hương Xứ Lạng, các cấp, ngành hữu quan của tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn, làm giàu vốn DSVH hơn nữa, đảm bảo phù hợp với quy luật phát triển của VH đó là, kế thừa trong sự phát triển, thống nhất trong sự đa dạng... Biểu hiện cụ thể là, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đã được quản lý, trùng tu, tôn tạo, nghiên cứu, quy hoạch chiến lược phát triển. Hay, đối với các làn điệu dân ca, dân vũ đã có nhiều hình thức bảo tồn hiệu quả, đảm bảo sự trao truyền, tôn vinh được giá trị của di sản. Bên cạnh đó, còn phải nói đến công tác duy trì, bảo tồn và khai thác các lễ hội, ngày hội truyền thống của địa phương với phần lễ, phần hội và nhiều trò chơi, trò diễn đặc sắc. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp xây dựng nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời thể hiện rõ phương cách khá hiệu quả: “bảo tồn động”, tức là bảo tồn di sản ngay trong dòng chảy cuộc sống, nhất là đối với DSVH phi vật thể... Bên cạnh những động thái tích cực như kể trên, hằng năm, vào các dịp như: ngày DSVH Việt Nam 23/11, ngày VH các dân tộc Việt Nam 19/4, ngày DL Việt Nam 9/7, ngày truyền thống ngành VH 28/8,... ngành VH,TT&DL tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm tôn vinh các DSVH quê hương, qua đó khơi dậy mạnh mẽ ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị các DSVH trong đời sống tinh thần của nhân dân, trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

   

Có thể thấy, “DSVH là một dòng chảy không ngừng nghỉ”. Vậy nên, các hoạt động bảo tồn, làm giàu và phát huy cũng cần phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục... có như vậy mới đảm bảo sự kế thừa có chọn lọc trong quá trình giao lưu, tiếp biến VH; đảm bảo “hòa nhập” nhưng “không hòa tan”. Mặt khác, với sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự cộng đồng trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chắc chắn công tác bảo tồn, làm giàu, khai thác và phát huy giá trị các DSVH của Lạng Sơn sẽ được làm tốt hơn nữa, đảm bảo là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng phục vụ cho sự phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục