Hoạt động của ngành

Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội

Cập nhật: 07/07/2021 08:41:10
Số lần đọc: 1058
Sau nửa mùa hè “đóng băng” do dịch, du lịch Thủ đô đang từng bước khởi động lại. Ngoài yêu cầu nghiêm ngặt phòng dịch với mục tiêu kép, nên mở ra những gì mới cho phù hợp hoàn cảnh đất nước, vùng miền vẫn có dịch và du lịch cũng đòi hỏi được “làm tươi”.



Đình Chèm thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

1/Thời gian qua, dạo trong khu phố cổ Hà Nội, dễ dàng nhận ra vẻ “hoang vắng” trên các đường phố, trong các di tích đình, chùa, đền… cổ. Cùng với đó, là những văn phòng tổ chức tour, tuyến đóng cửa; các khách sạn khóa kín, những quầy hàng đồ lưu niệm treo biển cho thuê, bán lại. Vùng ngoại thành Hà Nội, nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng trong tình trạng tương tự. Dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa điểm trong thành phố, ngăn lại những nhu cầu đi nghỉ ngơi, thư giãn tại Thủ đô, của người dân trong và ngoài Hà Nội.

2/Những ngày này, không khí chuẩn bị cho một mùa du lịch mới “nối đuôi” mùa dịch đang được “rục rịch”. Nhiều điểm đến ở các khu vực ngoại thành phía tây Hà Nội bắt đầu tung ra lời mời du khách lên thưởng thức các dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vừa khởi động hoạt động chợ quê, tái hiện không khí nông thôn dự kiến kéo dài cả tháng, sau cả quãng thời gian hầu như chỉ trông nom không gian này. Ngành du lịch thành phố đã có định hướng với các doanh nghiệp lữ hành về chuẩn bị khởi động các sản phẩm mới trong tình hình hiện nay, có nhấn mạnh tiêu chí “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Đây cũng là gợi ý thận trọng khi mà hiện tại trong Hà Nội thì không, nhưng một số tỉnh chung quanh vẫn tiếp tục phát hiện có ca lây nhiễm Covid-19 hoặc mới qua đợt cao điểm dịch.


Đồng bào Ê Đê biểu diễn trong nhà dài tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam. 

3/Trong bối cảnh du lịch như vừa “ốm dậy” - nhiều địa phương khác thậm chí còn chưa có tín hiệu khởi động gì, vẫn phải kiên quyết “kiêng khem” - thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch là đòi hỏi hàng đầu để bảo đảm du lịch an toàn. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho những bước đầu trở lại, cũng là dịp rà soát những hạn chế, bất cập, chậm chạp trong hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội thời gian trước để trên đà làm mới, có thể khắc phục, điều chỉnh.

Có thể nhận thấy tình trạng quen thuộc, lặp đi lặp lại trong hoạt động ở nhiều điểm đến như các di tích, danh thắng, bảo tàng, trong không gian phố đi bộ. Cũng như ở vùng ngoại thành, khu vực trung du, thì vấn đề bảo toàn, giữ gìn cảnh quan sinh thái trong hoạt động du lịch cũng là đòi hỏi cho việc quy hoạch, bảo vệ, tôn tạo không gian xanh; cũng như chống xu hướng xây dựng tràn lan, thiếu kiểm soát trong các khu vực đã, đang và có tiềm năng phát triển du lịch. Điều này đang là thực trạng đáng cảnh báo nếu quan sát nhiều khu vực từ địa bàn huyện Quốc Oai trở lên Hòa Lạc (Thạch Thất), Đồng Mô (Sơn Tây) và nhất là những không gian chung quanh chân núi Ba Vì. 

Đây cũng là vấn đề phù hợp thực tế hiện nay xã hội vẫn tiếp tục phòng, chống dịch, du lịch cần có nhiều hình thức hướng về thiên nhiên, hướng ra không gian ngoài trời, các hoạt động dã ngoại, hạn chế sự tập trung đông người trong không gian nhỏ hẹp. Cũng như về lâu dài, trong guồng quay đô thị hóa, công nghiệp hóa, thì môi trường sạch, không gian xanh, điều kiện tự nhiên càng trở nên những tiêu chí quan trọng của du lịch bền vững. Theo chị Phạm Thanh Quyên, chuyên viên về di sản văn hóa tại TP Besancon (Pháp), thí dụ từ nhiều nước châu Âu, đông đảo người dân do phải ở nhà cách ly, giãn cách quá lâu, đang có xu hướng du lịch dã ngoại, về với thiên nhiên. Chị Quyên cũng gợi ý, trong hoạt động du lịch, nên tăng cường các cuộc biểu diễn, hòa nhạc, vui chơi giải trí ngoài trời. Cũng như với các điểm đến, nên chia khung giờ và giới hạn số khách du lịch trong cùng một lúc để bảo đảm chống dịch và nâng cao chất lượng tham quan, nhất là trong mùa hè nắng nóng. 
    
Còn nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên Nhóm xẩm Hà thành, đã có thời gian dài biểu diễn tại phố đi bộ hồ Gươm và hiện đang cùng nhóm mong đến dịp trở lại phục vụ công chúng, thì cho rằng: Với Hà Nội, “đặc sản” du lịch vượt trội so với nhiều địa phương khác chính là văn hóa gắn với nhiều yếu tố truyền thống, trải rộng từ vật thể đến phi vật thể, từ tâm linh đến văn hóa sinh hoạt đời thường. Văn hóa Hà Nội cũng gắn với nhiều giai đoạn lịch sử. Vì vậy, phát triển du lịch Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, cần lấy văn hóa làm trọng tâm. Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng nhấn mạnh, đừng làm theo hướng tưng bừng khoa trương, với các hoạt động rầm rộ, mà chú ý tới các hoạt động khám phá, đi sâu vào “chất” và hình thức tổ chức không quá đông người.
 
An toàn, vừa phải, gọn gàng, hoạt động dã ngoại, hướng đến thiên nhiên, nên là những định hướng chung cho các hoạt động du lịch tại Thủ đô hiện nay. Có lẽ, vui chơi “có mức độ”, có trách nhiệm cũng là điều mà cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các điểm đến lưu tâm cho hoạt động giám sát, chuẩn bị, tổ chức và tiếp đón của mình, cũng như khuyến cáo với du khách. Tránh tình trạng “tháo khoán”, tâm lý “xả láng” sau cách ly, giãn cách của người dân, dễ dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh dịch trong hoạt động du lịch mà thực tế đã xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Bài & ảnh: Hoàng Hoa

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục