Hoạt động của ngành

Cà Mau: Tạo bứt phá phát triển dịch vụ du lịch

Cập nhật: 05/07/2021 13:35:57
Số lần đọc: 859
Lĩnh vực du lịch Cà Mau những năm gần đây phát triển khá nhanh, nhiều dịch vụ du lịch được hình thành và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh. Theo đó, vai trò của lĩnh vực này trong tỷ trọng nền dịch vụ chung của tỉnh được nhìn nhận ở vị thế trung tâm, cần có tầm nhìn chiến lược để phát triển bứt phá.


Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhằm đưa khu vực dịch vụ giữ vai trò chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ðứng trước “vận hội” mới, xác định từ vị trí là một trong những những ngành kinh tế trọng điểm, lĩnh vực du lịch nói chung và dịch vụ du lịch Cà Mau đề ra 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp xu thế để phát triển.

Theo đó, căn cứ vào đặc điểm và tình hình, ngành du lịch Cà Mau tiến hành quản lý và khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng các đề án phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc; thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch; thu hút du khách nội địa và khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương… nhằm tạo ra nhiều dịch vụ.

Sản phẩm du lịch của tỉnh dựa vào du lịch sinh thái và thương hiệu du lịch sinh thái. Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cùng với các địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái: đầm Thị Tường, hòn Ðá Bạc… phát triển thành các khu (điểm) du lịch trọng điểm, có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao, tạo nên thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh.

Xuyên rừng ngập nguyên sinh Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi du khách khi về với vùng đất thiêng dân tộc. (Ảnh chụp ngày 26/2/2020).

Ðối với du lịch cộng đồng, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của địa phương, gắn với các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hoá lưu niệm, các món ăn ẩm thực, đặc sản địa phương để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp.

“Từ thực tế, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của tuyến du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, gắn với Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, ngành du lịch tỉnh nghiên cứu phát triển thêm tuyến du lịch xuyên rừng đầy tiềm năng, từ Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Viên An) đến Cồn Cát - Ðất Mũi”, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trần Hiếu Hùng thông tin.

Khai thác lợi thế vùng đất ngập mặn với diễn thế tự nhiên của rừng nguyên sinh và bãi bồi ven biển, ông Trần Hiếu Hùng cho biết, tới đây sẽ sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch, đó là những sự kiện nhằm gây dấu ấn thu hút du khách. Cụ thể, sẽ tổ chức giải Ðất Mũi Marathon - Cà Mau 2021, Ngày hội Cua Năm Căn…

Ðối với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đến thời điểm này đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng, nhất là những tuyến đường xuyên rừng, vừa đảm bảo phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm, khám phá khu rừng tràm nguyên sinh.

Thành công của sự kiện Hương rừng U Minh vừa qua với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách tại khu rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia U Minh Hạ cho thấy sức hút của du lịch khám phá, nhất là những nét đặc trưng từ diễn thế tự nhiên.

Khu Du lịch hòn Ðá Bạc, sau thời gian tạm ngưng để chỉnh trang, xây dựng cơ sở hạ tầng, nay sắp mở cửa hoạt động trở lại, sẽ tạo nên điểm nhấn mới, dự báo sẽ thu hút được du khách thích tham quan, trải nghiệm khám phá nét đặc trưng đảo gần bờ, gắn với tìm hiểu lịch sử cách mạng, văn hoá tâm linh.

Cùng với đó, “Biển hồ giữa đồng bằng” - đầm Thị Tường đang được quy hoạch lại để khai thác du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, trong đó có mở mới tuyến đường kết nối với tuyến bờ Nam Sông Ðốc, thuận tiện kết nối các các tuyến du lịch trọng điểm, đặc biệt là tuyến hải trình Phú Quốc - Nam Du - Sông Ðốc, khám phá đầm Thị Tường - Ðất Mũi…

"Với những kết quả đạt được bước đầu từ sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2021”, Cà Mau đang hướng đến tổ chức hoạt động này hàng năm", ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ.  

Với định hướng phát triển mang tầm nhìn chiến lược, ngành du lịch Cà Mau đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú 10% trở lên, doanh thu 16% trở lên./.

Trần Nguyên

 

Nguồn: Báo Cà Mau

Cùng chuyên mục