Tin tức - Sự kiện

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Sẽ đề xuất Quốc hội ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào kỳ họp tháng 5/2023

Cập nhật: 11/04/2023 13:46:39
Số lần đọc: 429
(TITC) - Chiều ngày 10/4/2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực du lịch, đồng thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của ngành, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành du lịch, sớm đưa du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Đồng chủ trì buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng.

Du lịch đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, giai đoạn 2015-2019 du lịch Việt Nam phát triển với tốc độ đột phá. Khách quốc tế đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019, đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đây là mức tăng cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Khách nội địa đã tăng gần 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019, tăng bình quân 10,5%/năm. Đóng góp trực tiếp của du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): năm 2015 là 6,3%, đến năm 2019 là 9,2%, tăng 2,9 điểm phần trăm. Các mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2020 đối với ngành du lịch cơ bản đã được hoàn thành trong năm 2019.

Bước sang năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng loạt lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch và các dịch vụ liên quan phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2022 ngành du lịch đang từng bước khởi sắc, hoạt động sôi động trở lại. Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, ngành du lịch đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng.

Năm 2022, lượng khách nội địa thiết lập kỷ lục mới, là bệ đỡ cho ngành du lịch với 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Tiếp tục đà tăng trưởng, Quý I/2023, tổng số khách du lịch nội địa đạt 27,5 triệu lượt; tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 132,7 nghìn tỷ đồng.

Du lịch Việt Nam được UNWTO đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Những nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt của Du lịch Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á, tiếp tục khẳng định thương hiệu, vai trò và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là 1 trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu. Ảnh: TITC

Tích cực tham mưu xây dựng, triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực du lịch

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021-2023, Tổng cục Du lịch đã tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực du lịch như: (1) Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, thể thao, quyền tác giả, quyền liên quan. (2) Nghị định 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ quy định mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia; (3) Thông tư 15/2022/TT-BVHTTDL ngày 20/12/2022 của Bộ VHTTDL hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (4) Văn bản hợp nhất 4634/VBHN-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Đồng thời, Tổng cục Du lịch đã tham mưu ban hành một số văn bản hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như: (1) Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; (2) Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; (3) Thông tư 13/2021/TT-BVHTTDL ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Kết quả, tính đến 31/01/2022 cả nước có 19.567 hướng dẫn viên làm hồ sơ xin hỗ trợ, trong đó có 18.243 hướng dẫn viên đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 67,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú bị tác động bởi dịch Covid-19 được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021. Giảm tiền thuê đất năm 2020, 2021. Giảm 30% thuế VAT hoặc giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với hàng hóa, dịch vụ: (i) dịch vụ vận tải, (ii) dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành đến hết 30/6/2022. Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021...

Về xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tổng cục Du lịch đã triển khai hướng dẫn các địa phương trong công tác thẩm định và công nhận khu, điểm du lịch. Đến nay, cả nước có 426 điểm du lịch và 44 khu du lịch cấp tỉnh. Hầu hết tỉnh, thành phố đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, đã có 23/49 quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đã được phê duyệt và triển khai, tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn phát biểu. Ảnh: TITC

Triển khai Luật Quy hoạch 2017, Bộ VHTTDL đã tổ chức lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, dự thảo Quy hoạch cơ bản đã hoàn thiện và sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Về chính sách thị thực, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao báo cáo Chính phủ đề xuất và triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài xin nhập cảnh vào Việt Nam, như nâng tổng số quốc gia được áp dụng thị thực điện tử lên 80 nước; áp dụng cấp thị thực điện tử tại 38 cửa khẩu (tăng 05 cửa khẩu so với năm 2019). Đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương đến hết ngày 14/3/2025 (thời hạn 3 năm) cho công dân 13 quốc gia. Ngoài ra, đã bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày. Cấp thị thực theo đoàn đối với khách du lịch tàu biển; miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển (được Chính phủ quyết định áp dụng nếu đáp ứng đủ các điều kiện).

Trong thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL các nội dung góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc miễn thị thực đơn phương có thời hạn 5 năm cho công dân của 23 nước thuộc châu Âu dự kiến có hiệu lực từ tháng 5/2023. Đồng thời tham gia vào quy trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam dự kiến trình Quốc hội vào phiên họp tháng 5/2023. Các nội dung sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đã được Chính phủ thống nhất chủ trương gồm: (i) Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; (ii) Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; (iii) Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại
cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên
45 ngày.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Trần Việt Anh phát biểu. Ảnh: TITC

Dấu ấn đột phá của hoạt động truyền thông quảng bá, chuyển đổi số

Hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá được đẩy mạnh, trong đó nổi bật là các chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” (giai đoạn 1) và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” (giai đoạn 2). Triển khai mạnh mẽ chương trình “Live fully in Vietnam” để thu hút khách du lịch quốc tế. Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, lễ hội giới thiệu văn hóa-du lịch Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự đồng hành của nhiều địa phương, doanh nghiệp.

Một điểm sáng lớn của hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch là triển khai e-marketing, cả trong giai đoạn dịch bệnh và giai đoạn phục hồi du lịch. E-marketing được sử dụng như một công cụ truyền thông hiệu quả, thông qua việc duy trì, vận hành trang https://vietnamtourism.gov.vn với vai trò truyền thông chính sách, phục vụ công tác quản lý nhà nước và xúc tiến du lịch; cung cấp chính xác, cập nhật kịp thời những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực du lịch trên toàn quốc, cũng như các hoạt động nổi bật của toàn ngành. Trang https://vietnam.travel chuyên trách quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam ra nước ngoài; cập nhật thông tin về chính sách mở cửa du lịch thông thoáng của Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế về kiểm soát y tế, khôi phục chính sách miễn thị thực, xuất nhập cảnh như trước khi xảy ra dịch bệnh... Website https://vietnam.travel đã tăng hạng mạnh trên thế giới. Tháng 10/2022, website được xếp hạng #152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất so với các đối thủ trong khu vực.

Đáng chú ý, Chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi Để Yêu!” vinh dự nhận Giải Nhì - Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII năm 2022 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức.

Ngành du lịch đã tích cực áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, trong đó thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng của Tổng cục Du lịch thông qua xây dựng các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch gồm: Hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Hệ thống Báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch” (là 1 trong 35 nền tảng chuyển đổi số quốc gia cần ưu tiên phát triển); Nền tảng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” hỗ trợ du khách tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến; “Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh” hỗ trợ du khách giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động du lịch. Triển khai hệ thống vé điện tử là bước đi đột phá trong công tác quản lý vé tại các khu, điểm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách và bảo vệ môi trường.

Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành du lịch và cho ra mắt từ tháng 8/2022. Đây là khung hướng dẫn chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.

Về hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch, năm 2022, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch và Đền Quán Thánh áp dụng hệ thống vé điện tử và đang tiếp tục hỗ trợ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Thuận triển khai. Vừa qua, Tổng cục Du lịch cũng đã tổ chức các chương trình tập huấn hướng dẫn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương như: Mường La (Sơn La), Hà Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ… Qua đó nhằm gỡ “nút thắt” của các địa phương trong chuyển đổi số du lịch; thống nhất nhận thức và thúc đẩy hành động chuyển đổi số; quan trọng nhất là hướng dẫn các giải pháp cụ thể triển khai chuyển đổi số ở địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu. Ảnh: TITC

Đề xuất Quốc hội ban hành các chính sách thuận lợi cho phát triển du lịch

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền chỉ đạo xây dựng khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho du lịch phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm: (1) Điều chỉnh Luật Du lịch 2017 để phù hợp với các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL và các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch. (2) Xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng đưa du lịch vào danh sách ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư cũng như được triển khai phương thức đầu tư đối tác công tư. (3) Xem xét, sửa đổi Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (2017) và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài. (4) Xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai Đề án phát triển kinh tế đêm. (5) Sớm ban hành Nghị quyết về: (i) Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; (ii) Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; (iii) Nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. (6) Xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. (7) Xem xét, ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch và nhân lực chất lượng cao phù hợp với các thoả thuận của Việt Nam và quốc tế về nhân lực ngành du lịch. (8) Tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Du lịch 2017.

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trao đổi, thảo luận để làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Luật Du lịch 2017, Đề án cơ cấu lại ngành du lịch và những chính sách pháp luật khác liên quan đến du lịch như chính sách về thị thực xuất nhập cảnh, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, hoạt động liên kết trong phát triển du lịch; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của ngành cần tháo gỡ, những chính sách đầu tư, ưu đãi để du lịch phục hồi và phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách, chỉ đạo tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đều xác định không chạy theo số lượng mà cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững, tăng chi tiêu của khách du lịch. Đồng thời xác định phát triển du lịch cân bằng giữa du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển du lịch. Đồng thời, chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các chương trình phục hồi du lịch thời gian tới, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Luật Du lịch 2017, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu. Ảnh: TITC

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch cần tập trung hoàn thiện sớm nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống du lịch trong tổng thể hệ thống quy hoạch quốc gia; đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành; đồng thời tham mưu, phối hợp để thúc đẩy hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; tiếp tục đẩy mạnh triển khai đến các chương trình, đề án về chuyển đổi số, đào tạo nghề cho ngành du lịch…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã rất nỗ lực triển khai các nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, kịp thời với tình hình phát triển nói chung của đất nước và đạt được những kết quả ấn tượng. Mặc dù chưa đạt được kết quả khách du lịch quốc tế như mục tiêu đề ra năm 2022 nhưng việc tham mưu cho Chính phủ mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3/2022 là quyết định rất đúng đắn, kịp thời, thể hiện rõ vai trò tham mưu, quản lý nhà nước của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL.

Ông Phan Viết Lượng cho rằng, đã có nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về du lịch được ban hành nhưng có những nội dung, chính sách chưa thực hiện được. Trong đó, có những nội dung tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Luật Du lịch.... nếu được thực hiện đầy đủ sẽ giúp du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Với tinh thần đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đề nghị Tổng cục Du lịch sớm hoàn thiện, bổ sung các nội dung chi tiết vào các đề xuất, kiến nghị trong báo cáo để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trình Quốc hội xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào kỳ họp tới vào tháng 5/2023.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 11/4/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT