Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Tạo thêm điều kiện giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 02/12/2022 09:00:08
Số lần đọc: 822
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ VN tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực, giúp đồng bào sống vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo và bền vững.

Tham luận của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội thảo "Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Bắc miền Trung" vừa được tổ chức mới đây cho hay, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi và 3 huyện, thị xã có đồng bào DTTS. Dân số toàn vùng đồng bào dân tộc có 121.248 người với 24.657 hộ, trong đó DTTS 54.062 người, chiếm 4,9% so với dân số toàn tỉnh, bao gồm dân tộc chính như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc khác. Vùng "lõi nghèo" của tỉnh có 24 xã thuộc vùng DTTS, miền núi, 14 xã khu vực III, 71 thôn đặc biệt khó khăn. Cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông, lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng đa số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Lễ hội Aza Koonh (mừng lúa mới) của người Pa Cô huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ VN tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực, giúp đồng bào sống vùng DTTS và miền núi có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo và bền vững. Với những đầu tư thiết thực về cơ sở hạ tầng; xây dựng hệ thống chính trị; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở; gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc,... bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Những kết quả đạt được này có sự vào cuộc đầy trách nhiệm, đồng bộ, hiệu quả, thiết thực của MTTQ các cấp dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp với Chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thời gian qua, ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm ban hành các Kế hoạch về việc phối hợp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch về việc tổ chức Đoàn khảo sát, đánh giá tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022 và Kế hoạch về giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Trong đó, đã xác định rõ trách nhiệm của Mặt trận trong việc phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nhất là đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tăng cường công tác phản biện trong xây dựng cơ chế, chính sách triển khai Chương trình; giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc tại địa phương.

Đồng thời, sớm triển khai công tác khảo sát, đánh giá tình hình tại một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi,. Tập trung vào các xã vùng đặc biệt khó khăn để có cái nhìn khách quan, chân thực về tình hình phát triển kinh tế, đời sống sinh hoạt của bà con DTTS hiện nay. Từ đó đề ra những nội dung giám sát thiết thực, trọng tâm góp phần đảm bảo việc thực hiện các chính sách dân tộc do Đảng và Nhà nước đề ra, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.

Đồng bào DTTS tại các huyện miền núi Thừa Thiên Huế phát triển các mô hình du lịch kết hợp giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trong thời gian tới, để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, đó là cần xây dựng các biện pháp đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị để đạt các mục tiêu đề ra, hướng tới hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Phát huy vai trò của các cơ quan chủ trì từng tiểu mục, đề án, bám sát nhiệm vụ được phân công để hướng dẫn, đôn đốc triển khai các dự án thành phần thuộc Chương trình. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện. Thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, từng thời kỳ, giai đoạn. Qua đó, thu hút và tạo được sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân khi tổ chức triển khai, thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phản biện xã hội đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách. Cùng với đó, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình triển khai thực hiện; công khai, minh bạch về kế hoạch, nội dung đầu tư, hỗ trợ và nguồn vốn để người dân được biết và theo dõi, kiểm tra, giám sát theo quy định.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp phải chú trọng xây dựng các mô hình điểm, tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất kinh doanh, giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào dân tộc. Phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc.

Ngoài ra, các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục tham mưu, báo cáo Chính phủ về một số định mức chưa được quy định, hướng dẫn định mức hỗ trợ đầu tư sử dụng ngân sách trung ương đối với một số nội dung của Chương trình, cụ thể: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy trình, hướng dẫn thực hiện để địa phương có căn cứ hướng dẫn cơ sở thực hiện.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, chăm lo phát triển văn hóa xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống đó là mục tiêu mà Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ hướng đến. Hy vọng rằng, với sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Thế Trung

 

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 01/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT