Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Cập nhật: 24/07/2023 14:15:29
Số lần đọc: 414
Phục hồi và phát triển ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” là chủ trương của tỉnh Thừa Thiên Huế. Để tạo ra hiệu quả, ngành du lịch cùng các đơn vị liên quan cần tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm.


Khách du lịch đến tham quan các di tích ở Huế

Tập trung 7 nhiệm vụ

Du lịch Huế đã trở lại đà tăng trưởng sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Những con số của du lịch 6 tháng đầu năm, với lượng khách du lịch đạt khoảng hơn 1,6 triệu lượt; tổng thu từ du lịch 6 tháng ước đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022 là con số đáng mừng. Nhưng trước mục tiêu đến năm 2025, ngành du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 243/KH-UBND (ngày 3/7/2023) nhằm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, một trong những mục tiêu hướng đến là phục hồi và phát triển ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”; quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế: “Huế - Kinh đô xưa trải nghiệm mới”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, UBND tỉnh đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. UBND tỉnh đã giao Sở Du lịch tiếp tục tập trung thực hiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp…

Các sở, ban, ngành cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch nhằm cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới; đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành du lịch để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch.

Theo đại diện Sở Du lịch, 6 nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng, đó là: Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên Huế; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Khách quốc tế đến tham quan, du lịch ở Huế 

Thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Cùng với những giải pháp đang thực hiện, vấn đề thu hút đầu tư, phát triển du lịch có tầm quan trọng rất lớn, cần sự vào cuộc, chung tay của các ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Theo đại diện Sở Du lịch, đơn vị sẽ phối hợp hoàn thiện nội dung hợp phần du lịch trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên đầu tư cho khu vực động lực, khu Chân Mây - Lăng Cô thành khu du lịch quốc gia; tổ chức triển khai các chương trình, đề án chuyên đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ chú trọng thực hiện nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không với đường bộ, đường biển và đầu tư nâng cấp sân bay, bến cảng. Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công về hạ tầng; nâng cấp hạ tầng giao thông đảm bảo các phương tiện tiếp cận các khu du lịch, vùng du lịch trọng điểm của địa phương.

Hiện, sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực; các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án vui chơi giải trí du lịch, tổ hợp khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh…

Vai trò của các địa phương trong công tác thu hút đầu tư, phát triển cũng cần phải được chủ động hơn. Trong đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành và kết nối một số khu vực động lực phát triển du lịch có chất lượng, quy mô, thúc đẩy, lan tỏa các lợi ích và giá trị của du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các hợp tác, liên kết liên địa phương, liên vùng thúc đẩy phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm mới. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tạo thuận lợi thúc đẩy du lịch.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 24/07/2023

Cùng chuyên mục