Hoạt động của ngành

An Giang: Độc đáo Hội đua bò Bảy Núi

Cập nhật: 24/07/2023 09:17:03
Số lần đọc: 421
Hội đua bò Bảy Núi là nét đặc trưng riêng biệt của tỉnh An Giang, là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ ở vùng này. Ngày hội thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào Khmer vùng núi huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên.

Đua bò Bảy Núi là ngày hội độc đáo ở An Giang.

Thực tế cho thấy, Hội đua bò Bảy Núi là một sân chơi thể thao, giải trí mang tính đại chúng của những người nông dân sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng…

Nét đẹp văn hóa dân gian

Đến nay, Hội đua bò Bảy Núi cấp tỉnh của An Giang đã qua 27 lần thi đấu. Năm nay, huyện Tri Tôn đăng cai với sự tham gia của 64 đôi bò trong tỉnh An Giang và các địa phương lân cận.

Dự kiến khai mạc vào sáng 14/10/2023 (30/8 âm lịch), nhưng ngay từ bây giờ, các địa phương trong tỉnh đã sôi động công tác chuẩn bị. Huyện Tri Tôn đã cho tạc tượng cặp bò đua đặt tại ngã ba khu vực sân đua bò của huyện và một cặp đặt tại hồ Soài Chek.

Sân đua là một khoảng ruộng bằng phẳng hình chữ nhật, đường đua được nạo sâu xuống khoảng 10 cm và phải bơm nước ngập từ 5 đến 10 cm.

Đua bò theo từng đôi một, người điều khiển cặp bò còn gọi là “tài xế” hay “nài bò” đứng trên dàn bừa cầm roi gọi là xalul thúc vào bò để chúng chạy nhanh hay chậm. Cặp bò nào về đích trước sẽ vào vòng đấu sau và tiếp tục đấu loại trực tiếp cho đến khi còn hai cặp.

Theo “luật chơi”, cặp bò nào chạy ra khỏi đường đua hay “nài bò” bị té khỏi bừa rơi xuống đất thì dù bò có về đích trước cũng bị thua…

Đến nay, không ai nhớ rõ đua bò có từ lúc nào. Ngày xưa gọi là đi bo bò và về sau gọi là đua. Đó là thời điểm nông dân Khmer Nam Bộ thu hoạch lúa xong nên rủ nhau mang bò đến các sân rộng trong chùa Khmer để bừa đất thí công cầu mùa lúa sau trúng vụ. Rồi từ bo bò họ tổ chức đua. Những cặp bò chiến thắng được các Sư cả, À cha tặng phần thưởng có khi là cái ách, cái bừa, sợi dây nài, vòng lục lạc...

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, hằng năm, hội được tổ chức trong dịp lễ Sel Dolta là lễ cúng ông bà của dân tộc Khmer từ 29/8 đến mồng 1/9 âm lịch, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Đây cũng là lúc người Khmer chuẩn bị cho vụ lúa mới. Xét về mặt lịch sử, môn thi đấu này đã tồn tại hàng trăm năm, gồm cả hai hình thức: Đua xe bò trên vùng đất khô và đua bò bừa dưới ruộng xâm xấp nước.

Năm 1989, Ủy ban nhân dân xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn đứng ra tổ chức đua bò. Năm 1992, được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần vào khoảng thời gian thường vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, luân phiên ở hai địa điểm: ruộng chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) và ruộng chùa Thơ Mít (xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên).

Năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nâng cấp thành lễ hội văn hóa truyền thống của tỉnh, quy mô tổ chức lớn hơn và mở rộng cho các huyện khác trong tỉnh tham gia.

Năm 2009, Hội đua bò Bảy Núi lần thứ 18 được đài Phát thanh-Truyền hình An Giang (ATV) tài trợ chính và đổi tên thành “Hội đua bò Bảy Núi tranh Cúp Truyền hình An Giang”. Đến năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa “Hội đua bò Bảy Núi-An Giang” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên với đặc điểm riêng của vùng đất chân ruộng, tức là dưới lớp nước là lớp bùn mỏng có lớp cát nên khi bò chạy trên đó không lún, giúp bò chạy nhanh, cây bừa và người điều khiển lướt trên mặt bùn. Vì thế, vùng này tổ chức đua bò hấp dẫn nhất…

Cuộc đua hấp dẫn và kỳ thú

Vào ngày hội, hàng chục nghìn khách du lịch và nhân dân đủ các thành phần, lứa tuổi từ các nơi ùn ùn kéo đến xem. Ai cũng tranh thủ đi sớm để chọn góc xem tốt, mang theo đồ ăn thức uống sẵn vì hội đua kéo dài từ sáng cho đến chiều mới kết thúc. Hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế cũng đến tham dự sự kiện náo nhiệt này.

Thường trước cuộc đua hai tháng là đưa bò đi tập dượt. Bò đua giá rất cao, phải tuyển chọn rất kỹ với các tiêu chuẩn như hình dáng cao, chân cứng và thon tròn, móng nhỏ và khít, gân to, thịt săn chắc, cặp sừng nhọn cong đều đặn và cân đối. Một con bò “giỏi” giá trị bằng hai đến bốn con bò thịt…

Ông CHAU SONG (ấp Tô Trung, xã Núi Cô, huyện Tri Tôn)

Ông Chau Song cho biết thêm, kiếm được bò giỏi rất khó. Bò tơ từ 5 đến 6 tuổi được tập luyện và vòng đời ra sân đấu được khoảng 8 năm nhưng không phải lúc nào cũng chọn được bò ưng ý.

Công chăm sóc bò cũng rất cực như giăng mùng cho bò ngủ để tránh muỗi; thỉnh thoảng cho bò ăn trứng gà, uống nước ngọt để tăng sức lực; cho ăn cỏ non bổ dưỡng, không cho ăn rơm khô vì bò sẽ béo, chạy chậm. Phải cho bò tắm nắng để quen nhiệt độ cao, tập bò chạy đến khi chạy nhiều vòng liền bò không thở dốc hay lồng lên hất chủ văng khỏi bừa; tập cho bò làm quen với tiếng ồn, đám đông để khi ra sân, bò không hoảng sợ…

Ông Chau Kim Chenh có hơn 20 năm đua bò chia sẻ, đôi bò thắng giải tôn vinh chủ nhân và là niềm tự hào của phum sóc nên khi thi đấu ai cũng trổ tài. Vì thế, người đua bò phải có kinh nghiệm, phải hiểu tâm tính bò, phải khéo léo điều khiển để bò không lồng lên hất chủ văng khỏi dàn bừa hay đến các khúc cua chạy tạt ra khỏi đường đua…

Bây giờ có máy móc thay bò nhưng ở vùng núi khi làm nương rẫy nhiều nơi vẫn cần tới sức bò nên bò đua thắng cuộc được quan tâm bởi chúng khỏe, cày giỏi…

Đua bò là một hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền của đồng bào Khmer, nhưng từ lâu đã có sự tham gia của đồng bào các dân tộc khác. Tại nhiều cuộc đua còn có cả các cặp bò ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả ở nước bạn Campuchia sang tham dự.

Điều đó cho thấy sức hút mãnh liệt và tính chất liên kết cộng đồng mạnh mẽ của đua bò; một bằng chứng sống động thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, gắn bó nhau trong sản xuất và cũng là dịp để người dân vui chơi, gặp gỡ nhau, bồi đắp thêm tình cảm cộng đồng đẹp, đậm chất nhân văn.

Theo bà Lâm Thị Bửu Dân, công tác tại Bảo tàng tỉnh An Giang, Hội đua bò đã vượt ra khỏi giới hạn môn thể thao truyền thống của người Khmer Nam Bộ vùng núi, trở thành “phần hồn” làm lung linh thêm vẻ đẹp Thất Sơn.

Đua bò không đơn thuần là các con bò chạy đua với nhau mà nó trở thành tục lệ, tín ngưỡng độc đáo của đồng bào vùng dân tộc Khmer. Một ngày hội không chỉ gắn liền với phong tục cầu mong mưa thuận gió hòa, trúng mùa vụ và đời sống thêm sung túc mà còn thể hiện tinh thần hăng say lao động của đồng bào Khmer, làm cho ngày hội càng trở nên thiêng liêng, trang trọng.

Cũng theo bà Lâm Thị Bửu Dân, có thể nói đây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống lâu đời của các phum, sóc chứa đựng giá trị tinh thần của người nông dân tạo ra trong quá trình lao động sản xuất, được phát triển ngày càng rộng lớn qua thời gian.

Đây còn là sân chơi, nơi hưởng thụ văn hóa và tìm về truyền thống dân tộc có giá trị đặc biệt trong sự kết nối tính cộng đồng giữa người Kinh và người Khmer ngày càng bền chặt.

Đồng thời, đó cũng là một hình thức giáo dục, tuyên truyền và chuyển giao cho thế hệ sau thấm đậm tư tưởng đoàn kết, chia sẻ không vụ lợi trong công việc và kết nối tình xóm giềng.

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã và đang triển khai các nội dung sưu tầm, số hóa di sản lễ hội; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ di sản...

Trong giai đoạn 2023-2025, tiếp tục các nhiệm vụ tập huấn nâng cao năng lực kỹ năng nhận diện di sản trên cho cán bộ, đồng bào Khmer các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, đồng thời, đề xuất giải pháp phát huy giá trị đua bò gắn với phát triển du lịch…

Ngày 27/2/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành quyết định phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội đua bò Bảy Núi (2020-2025).

Nội dung cơ bản của đề án gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và số hóa tư liệu; phục hồi các dạng thức thực hành và nghi lễ liên quan; xây dựng bộ tiêu chí bảo tồn giống bò đua, kỹ thuật chăm sóc bò đua, kỹ năng huấn luyện, điều khiển bò…

Bài và ảnh: Thanh Dũng

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 22/07/2023

Cùng chuyên mục