Tin tức - Sự kiện

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong Chương trình OCOP: Tạo động lực phát triển bền vững

Cập nhật: 21/07/2021 07:50:35
Số lần đọc: 906
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội được thực hiện với 6 nhóm là: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải - may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; du lịch. Trong đó, nhóm hàng lưu niệm - nội thất - trang trí là một thế mạnh bởi trên địa bàn thành phố có hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ.


Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chủ thể OCOP tập trung nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, tạo động lực mới để phát triển bền vững hơn.

Sản phẩm thêu tay truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) đã được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”. Ảnh: Tuệ Liên

Nguồn lực cần được phát huy

Thôn Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) có nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống. Với đôi tay tài hoa và óc sáng tạo, những người thợ nơi đây đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị nghệ thuật cao như sản phẩm: “Tượng gỗ Long Mã”, “Khay trà gỗ Hợp Thành” đã được UBND thành phố chứng nhận “4 sao” trong Chương trình OCOP. Theo Giám đốc Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thương mại - Tổng hợp - Dịch vụ làng nghề Vân Hà Nguyễn Văn Long, trong số 800 hộ dân ở thôn Thiết Úng có tới 90% làm nghề mộc. Nghề truyền thống này tạo việc làm và thu nhập từ 8 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người/tháng cho lao động địa phương.

Tương tự, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) là quê hương của nghề thêu tay truyền thống. Người dân làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc như tranh phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, các họa tiết trên khăn, áo… Trong đó, 3 sản phẩm tranh thêu của nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào đã được công nhận sản phẩm OCOP “4 sao”.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó, đông đảo nhất là làng nghề thủ công mỹ nghệ với nhiều loại sản phẩm như: Gốm sứ, sơn mài, khảm trai, lụa, thêu ren, mây tre đan, xương sừng mỹ nghệ... Đây cũng chính là nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí được phát triển trong Chương trình OCOP của thành phố. Tham gia chương trình này, các chủ thể OCOP không chỉ được hỗ trợ chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã…, mà còn được tạo cơ hội tiếp cận thị trường và có thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn.

Đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên các làng nghề nói chung và làng nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng đều phải đối mặt với khó khăn. Chị Khương Thị Minh, thợ thủ công làm chuồn chuồn tre ở xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) chia sẻ: “Trước đây, hằng tháng, gia đình tôi đều bán cả ngàn con chuồn chuồn tre đi các tỉnh phía Nam, chưa kể lượng tiêu thụ tại địa phương phục vụ du khách thăm chùa Tây Phương, nhưng nay thị trường gần như “đóng băng”. Tuy vậy, gia đình vẫn sản xuất, bao gói cẩn thận chờ ngày du lịch hồi phục”.

Trong khi đó, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), một trong những nghệ nhân có 12 sản phẩm mây tre giang đan được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố thông tin: “Năm 2020, lượng sản phẩm đặt hàng giảm tới 80% thì đến nay đã hồi phục trở lại, đạt khoảng 70% so với trước khi có dịch Covid-19, trong đó chủ yếu là sản phẩm xuất khẩu. Mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ không ngừng thay đổi nên thời điểm này, chúng tôi tập trung vào thiết kế những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần quan tâm hơn đến các tiêu chí về môi trường và xã hội. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng; sản xuất sạch - thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe… Với làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các hộ sản xuất đã chuyển đổi từ lò đốt than truyền thống sang lò gas, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa hạn chế tác động đến môi trường, từ đó chinh phục được thị trường xuất khẩu.

Thực hiện Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đưa các sản phẩm vào 14 điểm giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhiều điểm được đặt tại các khu du lịch như: Làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng Vạn Phúc (quận Hà Đông)... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng đến du khách.

Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các cơ sở sản xuất, làng nghề cần đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Với những sản phẩm đã được cấp sao trong Chương trình OCOP cấp thành phố, các chủ thể cần tiếp tục nỗ lực nâng hạng sao để trở thành sản phẩm cấp quốc gia./.

Nguyễn Mai

Nguồn: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT