Tin tức - Sự kiện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thúc đẩy du lịch thông minh, tăng cường số hóa điểm đến, phát triển ứng dụng du lịch

Cập nhật: 09/12/2022 20:36:48
Số lần đọc: 454
(TITC) - Sáng ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: TITC)

Với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, VFTE 2022 là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nhận diện cũng như đề xuất giải quyết các vấn đề trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam.

Đánh giá cao ý nghĩa của diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, muốn đất nước đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập trở thành nước công nghiệp phát triển, có một cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại thì chúng ta phải làm rất nhiều việc và đặt ra từ năm 2020 đến 2030 phải tăng trưởng GDP trung bình 7% một năm, từ năm 2031 trở đi cũng phải tăng trưởng trung bình 6,5-7% một năm. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải như vậy, cần phải có những giải pháp đặc biệt và khát vọng mãnh liệt.

Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng đưa ra ba vấn đề cần giải quyết. Đó là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; tập trung vào đào tạo nhân lực; tìm ra những mũi nhọn mới, lĩnh vực mới, còn dư địa. Lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin đang rất được kỳ vọng, được coi là "một trong vài lực lượng quyết định" để đạt mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra. Phó Thủ tướng nêu một số lĩnh vực ở Việt Nam có dư địa phát triển, có thể và cần phải làm tốt hơn nữa như giáo dục đại học, đào tạo nghề, du lịch, công nghệ thông tin…

Đối với du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bài toán về phát triển du lịch thông minh là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện tại. Việc tăng cường các ứng dụng du lịch qua điện thoại di động giúp người dân và khách du lịch dễ dàng sử dụng, đặt vé, thanh toán. Số hóa các di tích, điểm đến sẽ hỗ trợ khách du lịch quốc tế trong việc tìm hiểu về điểm đến, nghe thuyết minh bằng thứ tiếng của họ qua điện thoại di động một cách thuận tiện.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức lần đầu vào năm 2019, đã đưa công nghệ số Việt Nam sang giai đoạn mới - nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam. Diễn đàn năm 2020 tuyên bố không “Make in Viet Nam” thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường và thịnh vượng. Trong khi đó, diễn đàn lần ba năm 2021 đặt ra bài toán chuyển đổi số trong việc xây dựng nền tảng chuyển số quốc gia, đã hành động quyết liệt và hiệu quả tạo động lực phục hồi kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: TITC)

Công nghệ số tiếp tục là điểm sáng, khi năm 2022 doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động; xuất khẩu công nghệ số ước đạt 136 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới sáng tạo.

“Doanh nghiệp số Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển đổi số quốc gia và Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là cái nôi để công nghệ số trưởng thành và vươn ra toàn cầu”, Thứ trưởng khẳng định.

Các đại biểu dự diễn đàn (Ảnh: TITC)

Diễn đàn diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (Ảnh: TITC)

Tại diễn đàn, nhiều tham luận đã được các đại biểu chia sẻ, nổi bật như: Phát triển nền tảng điện toán đám mây Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số quốc gia; Con đường khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng tốc thực hiện chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp số trong hệ sinh thái tài chính Việt Nam; Sản phẩm Make in Viet Nam thành công trong nước và mở rộng ra thị trường nước ngoài; Dấn thân của thế hệ doanh nghiệp công nghệ số trẻ trong khai phá thị trường nước ngoài; Cơ hội và nhu cầu chuyển đổi số tại thị trường nước ngoài… Buổi chiều, diễn đàn tiếp tục diễn ra với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam và nước ngoài”.

Bên lề diễn đàn, các đại biểu tiếp tục trao đổi và tham quan các gian hàng công nghệ số (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 08/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT