Hoạt động của ngành

Nhân lực ngành du lịch: Bài toán luôn cần lời giải mới

Cập nhật: 20/04/2020 08:13:46
Số lần đọc: 666
Nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để mở ra cơ hội bứt phá cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong thời đại kinh tế số. Điều này càng đúng với du lịch, khi Thanh Hóa đã định hướng phát triển ngành “công nghiệp không khói”, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai gần.

Khách du lịch tham quan Di sản Lam Kinh. Ảnh tư liệu của Khôi Nguyên

Động lực tăng trưởng

Nhân lực du lịch là khái niệm chỉ lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển du lịch, gồm cả nhân lực trực tiếp và nhân lực gián tiếp. Trong đó, nhân lực trực tiếp là những người làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch; các đơn vị sự nghiệp du lịch; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Còn nhân lực gián tiếp là bộ phận nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động du lịch như văn hóa, hải quan, giao thông, xuất nhập cảnh, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ công cộng, môi trường, bưu chính viễn thông, cộng đồng dân cư... Như vậy, khái niệm nhân lực du lịch có độ “bao phủ” tương đối rộng và chất lượng của nó không chỉ tác động và đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển du lịch; mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được thể hiện trên nhiều phương diện, bao gồm trình độ văn hóa, trình độ đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng thông tin, sức khỏe... Cũng bởi du lịch có tính liên ngành và tính xã hội hóa cao, cho nên, ngoài trình độ chuyên môn du lịch, người lao động phải được đào tạo các chuyên môn khác như văn hóa, ngoại ngữ, kinh tế, tài chính, địa lý... Đơn cử như về ngoại ngữ, theo một số liệu đã được ngành du lịch Việt Nam công bố, thì du lịch là ngành có tỷ lệ nhân lực sử dụng được ngoại ngữ khá cao, chiếm khoảng 60% tổng số nhân lực. Trong đó, nhân lực biết ngoại ngữ nhiều nhất là tiếng Anh (chiếm khoảng 42%), tiếp đó là tiếng Trung, tiếng Pháp và một số ngoại ngữ khác. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, lượng khách từ Trung Quốc và khách nói tiếng Trung chiếm từ 30-40% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cho nên, thông thạo tiếng Trung, hiểu biết về văn hóa, tính cách người Trung Quốc sẽ là điều kiện thuận lợi, cũng là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thu hút thị trường khách khổng lồ này. Còn nếu xét theo vị trí việc làm, thì đội ngũ hướng dẫn viên, lữ hành, ma-két-ting, lễ tân... có tỷ lệ sử dụng ngoại ngữ chiếm tới gần 90%.

Thế giới đã và đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức và do đó, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm du lịch cũng dần chiếm tỷ trọng cao. Trước đây, các loại hình du lịch truyền thống, gắn với tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí (nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng sinh thái thuần túy...), là cơ bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng khách. Trong đó phải kể đến xu hướng du lịch phiêu lưu, du lịch trải nghiệm, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, công tác kết hợp nghỉ ngơi, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe... Đặc biệt, nhu cầu được khám phá những điểm đến mới, hay trải nghiệm những giá trị mới, vừa là xu hướng vừa là nhu cầu của du khách. Điều này đòi hỏi các địa phương, các điểm đến cần phải xây dựng được những sản phẩm và các tour du lịch mới lạ, độc đáo, kết hợp cả các giá trị tự nhiên, giá trị nhân văn và gắn liền với tính tiện nghi hiện đại. Đồng thời, để không bị tụt hậu và đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành du lịch đang cần lực lượng nhân lực có tri thức phong phú và toàn diện hơn cả về kiến thức, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ...

Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là một phương diện phản ánh vị thế, vai trò của ngành du lịch nói chung và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch nói riêng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển hiện nay, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, nhân lực du lịch vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch nói riêng, phát triển nền kinh tế tri thức nói chung. Đó là số lượng còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ, năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và vẫn thiếu những cán bộ đầu đàn, có thể làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Một bộ phận lao động còn ngại học, chưa tích cực tự học và hiệu quả làm việc không cao...

Cần đi tắt đón đầu

Đối với tỉnh Thanh Hóa, theo số liệu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, các nhóm chỉ tiêu phát triển du lịch của tỉnh đều vượt kế hoạch. Trong đó, khách du lịch đạt trên 42 triệu lượt khách, cao gấp 2 lần tổng lượng khách giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,6%/năm. Ước tính phục vụ gần 80 triệu ngày khách và mang về tổng thu ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Cũng tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú, với 41.300 phòng, trong đó có khoảng 200 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Đồng thời, có trên 130 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay. Cùng với đó, Thanh Hóa là địa phương có hệ thống các trung tâm mua sắm tương đối hiện đại và phát triển rộng khắp. Điển hình là các Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Vincom Tĩnh Gia và hệ thống các cửa hàng Vinmart; Siêu thị Coopmart; Siêu thị Big C... (trong đó, có 2 đơn vị được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là Vincom Plaza và Vincom Tĩnh Gia). Ngoài ra, còn một mạng lưới các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải, nhà hàng... trải khắp các huyện, thị xã, thành phố.

Có thể nói, với tốc độ phát triển tương đối nhanh và quy mô các loại hình dịch vụ ngày càng mở rộng, du lịch đang ngày càng khẳng định được vị thế trên bản đồ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song điều này cũng đồng thời đặt ra cho ngành du lịch nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là bài toán nhân lực. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt và triển khai nhiều đề án, kế hoạch có liên quan. Trong đó phải kể đến Đề án “Phát triển nguồn nhân lực Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; Đề án “Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế giai đoạn 2017-2020”; Kế hoạch “Đào tạo tiếng Anh cho lao động ngành du lịch giai đoạn 2019-2023”; phối hợp với Công ty CP Sài Gòn (Saigontourist) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch... Trên cơ sở đó, tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, nhằm thu hút các nguồn lực tham gia vào phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đào tạo và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, việc đào tạo tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch...

Điển hình phải kể đến, năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ tham gia khoá tập huấn nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý du lịch tại Nam Ninh (Trung Quốc). Đồng thời, tổ chức lớp đào tạo quản trị du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế, cho học viên là cán bộ quản lý các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du lịch cộng đồng tại TP Sầm Sơn và huyện Bá Thước. Cùng với đó, ngành cũng đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch mũi nhọn cho đội ngũ quản lý, giám đốc các khách sạn 1- 5 sao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, ngành cũng tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các địa phương, mở nhiều lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước về du lịch và nghiệp vụ quản lý chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ; tổ chức bồi dưỡng về quản lý, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên khu, điểm du lịch và người lao động trong các doanh nghiệp...

Sự phát triển ngành du lịch trong vài năm trở lại đây, là một minh chứng cho thấy, Thanh Hóa đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Điều đó cũng phần nào khẳng định chất lượng nguồn nhân lực đang từng bước được cải thiện và ngày càng được nâng cao. Theo số liệu tổng hợp thực trạng nguồn nhân lực du lịch Thanh Hoá, thì ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 40.600 lao động du lịch trực tiếp. Trong đó, lao động trình độ đại học trở lên là 4.000 người; lao động trình độ cao đẳng, trung cấp là gần 13.000 người; lao động được đào tạo nghề, bồi dưỡng là 15.400 người. So với yêu cầu thực tế, thì số lượng nhân lực du lịch hiện cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, chất lượng đội ngũ này vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Đồng thời, dù du lịch có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, song cũng có không ít câu hỏi đang đặt ra. Đó là, liệu du lịch đã đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh và thu hút nhân tài, lao động có chất lượng, có kỹ năng cả trong và ngoài nước? Chính quyền và ngành du lịch cần làm gì để vừa thu hút được lao động có kỹ năng, vừa tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có? Cần xây dựng chiến lược như thế nào để nguồn nhân lực thật sự trở thành khâu đột phá chiến lược của ngành du lịch?...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, sẽ luôn là vấn đề khó nếu thiếu các yếu tố cơ bản, bao gồm hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, sự tích cực vào cuộc của các địa phương, vai trò động lực của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và yếu tố nền tảng là người dân. Đồng thời, các yếu tố này phải được vận hành và chuyển động một cách hài hòa, xuyên suốt, nhất quán và hiệu quả. Có như vậy, nguồn nhân lực mới bảo đảm cả về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Khôi Nguyên

 

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục