Non nước Việt Nam

Mai vàng với văn hóa tết Nam bộ

Cập nhật: 04/02/2021 08:42:48
Số lần đọc: 740
Ở mỗi vùng, miền đều có những phong tục đón tết mang đậm nét văn hóa địa phương, góp phần tạo nên nét đặc trưng thú vị, phong phú trong ngày tết của dân tộc. Ở Nam bộ, cây mai vàng được xem như biểu tượng của sự trường thọ và ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Những ngày tết, nhà nhà không sắm được chậu mai lớn chưng trước cửa thì cũng phải mua vài cành mai; có nhà dán hoa mai giả trang trí khắp tường, cửa để đón chào năm mới.
 Hoa mai đã đi vào đời sống văn hóa của người dân Nam bộ, mang những nét đẹp thanh cao, gần gũi, là biểu tượng, nguồn vui không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về. Vì vậy, cần trân trọng, thấy được ý nghĩa, giá trị, vẻ đẹp của cây mai trong đời sống và biết cách nâng niu chăm sóc để mai luôn điểm tô mùa xuân, báo hiệu những điều an lành và hạnh phúc cho mùa xuân trên đất phương Nam.

BIỂU TƯỢNG ĐỘC ĐÁO CỦA VĂN HÓA TẾT

Những ngày cuối tháng Chạp (âm lịch), trong không khí rộn ràng của đất trời chuẩn bị vào xuân, nhà nhà, người người lo trang trí nhà cửa để đón năm mới, với mong ước một năm tốt lành. Việc mua sắm ngày tết tùy vào điều kiện sống và quan niệm của mỗi gia đình, trong đó mai là loại hoa không thể thiếu trong nhà vào dịp tết. Hoa mai không chỉ tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời cho ngày xuân, mà còn phản ánh nhân sinh quan, trở thành một trong những biểu tượng độc đáo của văn hóa tết, gắn liền tính cách vừa mộc mạc, giản dị, coi trọng nhân nghĩa, đạo lý ở đời của con người Nam bộ.

Hoa mai biểu tượng của sự trường thọ và ngũ phúc, nên nhà nhà đều trang trí hoa mai trong dịp tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: THU HOÀI

Theo thuyết “Ngũ hành”, hoa mai có màu vàng, tượng trưng cho hành thổ - trung tâm của ngũ hành (kim, mộc, thổ, thủy, hỏa). Thổ là đất đai, sự sống, đặc biệt với cư dân nông nghiệp còn là phương tiện nuôi sống con người, nhờ đất mà con người sản xuất, đem lại cuộc sống sung túc và thịnh vượng. Vì vậy, những đóa mai vàng khoe sắc không chỉ báo hiệu cho thời điểm năm hết tết đến, mà còn phản ánh khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của cư dân người Việt trên vùng đất mới. Mặt khác, theo phát âm của người Nam bộ, tên gọi của hoa mai còn đồng âm với sự may mắn của con người (mai/may) và mai vàng được quan niệm là “may mắn được vàng”, rất cần cho sự khởi đầu một năm mới.

Ngày xuân, ai cũng cầu mong mọi việc may mắn, thuận lợi. Bên cạnh đó, sắc mai vàng tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang, phú quý. Mai vàng nở đầu năm như mang đến sự phồn vinh, hạnh phúc cả năm. Vì vậy mai vàng luôn là lựa chọn của người dân Nam bộ để dâng lên tổ tiên và trang trí trong ngày tết với mong ước sự vững bền, niềm tin và sự bình yên của cuộc sống; mong muốn một năm mới tràn đầy hạnh phúc, sung túc và đầy may mắn…

NHÀ NHÀ CHƠI MAI

Xuân về, mỗi người chơi mai một cách khác nhau. Người lao động bình dân, khi lựa chọn một cành mai để vui ba ngày tết thì chỉ cần có nhiều hoa nở đúng vào lúc giao thừa, sau đó hoa mai vẫn còn tiếp tục nở rộ và lâu tàn ít nhất là trong ba ngày tết, đó là điềm lành, báo hiệu những ước mơ của mình sẽ có nhiều hy vọng trở thành hiện thực. Đối với người khá giả, họ chơi mai gốc, chọn lựa rất kỹ, cây mai phải to và cao, hoa lá sum sê, đồ sộ thể hiện sự giàu sang, sung túc của chủ nhân, nhất là sao cho hoa trổ bung, vàng rực cả cây vào đúng ngày mùng một tết, để năm đó công việc làm ăn sẽ thuận lợi, thành công và sự nghiệp thịnh vượng.

Đối với những người chơi kiểng sành điệu, thì chơi mai là một thứ nghệ thuật vừa mang hơi thở dân gian, vừa mang trí tuệ bác học, giống như đi tìm tri kỷ, phải có cơ duyên thì mới gặp, như nhìn thấy bóng dáng cuộc đời thật của mình trong dáng thế cây mai. Theo đa số người chơi kiểng, một cây mai kiểng đẹp (thân, gốc và rễ) phải hội đủ ba yếu tố: Cổ, kỳ, mỹ. Cổ tức là cây mai phải lâu năm, in vết hằng của thời gian, năm tháng, gió sương trên thân cây, cội rễ. Kỳ không đơn giản là cầu kỳ, kỳ công chăm sóc, uốn tỉa, mà phải là thần kỳ, kỳ lạ, độc đáo đến bất ngờ, thú vị. Có hai yếu tố cơ bản tạo nên kỳ của một cây mai: Kỳ do thiên tạo và nhân tạo.

Mỹ là vẻ đẹp, sự bắt mắt của toàn thân cây mai. Đẹp trước hết phải hài hòa, cân xứng các bộ phận từ cội rễ đến đầu cành, tạo cho người xem nhiều cảm xúc, nảy sinh sự yêu thích và muốn sở hữu cây mai đó cho riêng mình. Về hoa: Hoa nhiều, hoa ít không quan trọng, điều quan trọng hơn cả là sự hài hòa giữa hoa với cành, hoa và lộc.

Còn gì vui hơn nếu trong nhà đúng vào thời khắc giao thừa mai vàng bừng nở, đón tài lộc vào nhà. Còn gì thú vị bằng vào những ngày đầu năm, khách đến thăm nhà, chúc tết, liên tục tấm tắc khen ngợi chủ nhà khéo chọn một cành mai, chậu mai tuyệt đẹp. Do đó, mai vàng luôn được trân quý, chỗ để mai bao giờ cũng là nơi trang trọng nhất của phòng khách, để mọi người có thể chiêm ngưỡng mai một cách đẹp nhất. Những lời chúc tốt đẹp cho năm mới sẽ ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn khi có hoa mai làm điểm nhấn. Một số người còn cho rằng, dựa vào cây mai nở hoa trong ngày tết, có thể dự đoán được sự may mắn của gia chủ trong năm đó.

NGUYỄN MINH PHÚC

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT