Non nước Việt Nam

Giữ nét đẹp văn hóa Tết Táo quân

Cập nhật: 04/02/2021 08:44:59
Số lần đọc: 551
Lễ cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh. Tiễn ông Táo về chầu trời, chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ khiến cho tâm của mỗi người trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn để sẵn sàng tâm thế bước vào một năm mới bình an và hạnh phúc.


Trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo không thể thiếu cá chép vàng. (Ảnh: HT)

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục đẹp có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc trong năm, để đến ngày 23 tháng Chạp, các thần sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo những việc tốt, xấu của gia đình. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công, ông Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, ý chí kiên trì chinh phục thử thách để đi đến thành công.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách thành kính, trang nghiêm. Đây cũng là một trong những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, ngoài việc chuẩn bị đón chào một năm mới với nhiều kỳ vọng, hoạt động này còn là để nhìn lại một năm cũ cho chặng mới tốt đẹp hơn.

Nghi lễ cúng ông Công, ông Táo không cần phải tổ chức cầu kỳ nhưng phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng của gia chủ, mỗi vùng miền cũng sẽ có những nghi thức khác và lễ vật khác nhau. Thông thường, theo tục lệ tiễn ông Công, ông Táo về trời, bên cạnh nhang đèn, giấy tiền, hoa tươi, mâm ngũ quả còn có mâm lễ mặn với đầy đủ xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... Tuy nhiên, thực tế tùy theo khả năng, điều kiện của từng gia đình mà có thể cúng mâm cỗ chay hay mặn. 

Trong mâm lễ cúng còn có những bộ mũ áo cho ông Công, ông Táo. Mũ Táo quân gồm có 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ dành cho bà không cần cánh chuồn nhưng mũ dành cho ông cần 2 cánh chuồn. Những mũ này được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến đủ màu sắc sặc sỡ.

Đặc biệt, trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo không thể thiếu một thứ, đó là cá chép vàng. Bởi theo truyền thuyết, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình nên người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, với ý nghĩa phóng sinh để đưa ông Táo về trời. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện sự từ bi quý báu, hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (có thể cúng vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng 23 tháng Chạp) bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa là ông Táo lên chầu trời nên sẽ không nhận được đồ cúng.

Trong tâm thức của người Việt, Tết ông Công, ông Táo là sự kiện quan trọng, mở đầu cho mùa lễ Tết truyền thống của người Việt. Với việc thực hành nghi lễ đúng mực, mỗi người đang góp phần bồi đắp, trao truyền, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại. 

Năm nay, Tết Táo quân không vào ngày nghỉ, nên các phần việc chuẩn bị cho cái Tết khởi đầu mùa lễ Tết truyền thống được nhiều gia đình lên kế hoạch từ sớm. Vẫn những đồ lễ truyền thống, nhưng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng của mỗi gia đình, mà chọn thực hành nghi lễ vào chiều 22 tháng Chạp, thậm chí dịp cuối tuần trước đó.

Là công nhân của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long với vốn thời gian eo hẹp, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, năm nào Tết Táo quân không vào ngày nghỉ thì gia đình chị sẽ tổ chức lễ tiễn Táo quân từ tối ngày 22 tháng Chạp. Năm nay cũng vậy, tuy nhiên do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tránh tụ tập đông người nên gia đình chị Hoa chủ trương không chuẩn bị, bày biện quá nhiều, cốt sao thành kính và ấm cúng.

Còn chị Hà Phương ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội cho biết thường làm lễ đúng vào sáng ngày 23 tháng Chạp. Mọi đồ lễ đều được chuẩn bị từ nhiều ngày trước với các món mặn, ngọt, cả những món chay. Riêng vàng mã thì từ nhiều năm nay, gia đình chị Phương không mua sắm nhiều, tránh lãng phí. “Lễ cúng ông Công, ông Táo quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ, không nên đặt nặng lễ bái, phẩm vật, lạm dụng vàng mã, vừa làm ảnh hưởng mỹ tục, vừa tác động tiêu cực tới môi trường” - Chị Phương bày tỏ./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT