Non nước Việt Nam

Lễ hội đình Cẩm Hải và tinh thần vượt khó của người dân làng chài

Cập nhật: 15/07/2019 09:02:06
Số lần đọc: 909
Hàng năm, cứ trước và sau ngày 1/6 Âm lịch, tại xã Cẩm Hải (TP. Cẩm Phả) lại diễn ra Lễ hội đình Cẩm Hải. Lễ hội có từ năm 1980, nhằm tôn vinh 6 vị đại vương, là những người đã có công khai sinh ra đất Trà Cổ và sau đó nhiều con cháu họ lại tiếp tục di chuyển để hình thành vùng đất Cẩm Hải ngày nay.


Hội đua thuyền rồng hàng năm tại Lễ hội đình Cẩm Hải thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân làng chài.

Những người cao tuổi trong xã Cẩm Hải thường truyền nhau về câu chuyện từ hơn 600 năm trước, có 12 ông từ Đồ Sơn (Hải Phòng) giong thuyền về phương Bắc lập nghiệp. Đến vùng biển Móng Cái, họ gặp một cơn bão lớn, thuyền trôi dạt vào đất hoang vu không có bóng người, chỉ có cây với trời, biển. Cuộc sống ở vùng đất mới khổ sở quá, 6 người trong đoàn người quyết định quay về Đồ Sơn, 6 người ở lại làm nghề chài lưới đánh cá, lập làng xã và đã hình thành làng chài Trà Cổ. Năm 1979, do chiến tranh biên giới, UBND tỉnh đã di chuyển số dân 2 thôn Tràng Lộ, Tràng Vĩ của Trà Cổ (Móng Cái) về thôn Cái Thấp, xã Văn Châu thuộc huyện Vân Đồn. Đến năm 1980, khu vực này được đổi thành xã Cẩm Hải và trở thành một đơn vị hành chính của Cẩm Phả. Cũng từ năm 1980, đình làng Cẩm Hải được người dân góp tiền, góp công xây dựng và cũng từ đó hàng năm diễn ra Lễ hội đình Cẩm Hải.

Theo tài liệu của xã Cẩm Hải, dựa theo thư tịch cổ Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) còn ghi lại, sau khi 6 người có công mở đất, dựng làng chết, nhân dân lập đền thờ ở Trà Cổ từ đời Hậu Lê, tương ứng với triều Lê Sơ (1428-1527). Cả 6 người đều được vua triều Lê Sơ sắc phong Đại vương vì họ có thành tích khai phá vùng đất, xây dựng làng xã, giữ bình yên một dải biên cương. Đến đầu thế kỷ 20, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn xác nhận lại chức sắc cho họ. Ngày 3/7 (1/6 Âm lịch) năm 2019 vừa qua, nhân dân Cẩm Hải đã vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh cụm di tích lịch sử Đình - Nghè Cẩm Hải và tổ chức Lễ hội đình Cẩm Hải năm 2019.

Ông Bùi Tân San, cán bộ Ban quản lý đình Cẩm Hải, cho biết: “Lễ hội đình Cẩm Hải từ lâu là niềm tin của người dân trong xã bám đất bám làng. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Cẩm Hải là xã nghèo nhất Cẩm Phả, 100% nhà cửa của bà con là tranh tre, tỷ lệ đói nghèo chiếm 85%. Cũng đã nhiều người từ các vùng khác đến sinh sống ở đất Cẩm Hải nhưng họ đều bỏ đi. Hầu hết chỉ có những người con làng chài Cẩm Hải gốc Trà Cổ mới bám đất, bám làng đến ngày nay vì họ có niềm tin và phát huy tinh thần vượt khó của cha ông ngày xưa. Cẩm Hải nay đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ khá giàu tăng cao. Khi người dân đặt niềm tin vào quê hương mình thì họ càng quyết tâm hơn để xây dựng Cẩm Hải như ngày nay”.

Một nghi lễ không thể thiếu được ở lễ hội đình là lễ rước các “ông voi”. Đây là cách gọi kính trọng của người dân địa phương với 6 chú lợn, được làng lựa chọn và giao cho 6 người đàn ông trong làng chăm sóc. Việc chọn lợn, chọn người nuôi cũng phải theo quy định rất nghiêm ngặt. “Ông voi” phải là lợn đực Móng Cái, lông mầu trắng. Người được chọn nuôi “ông voi” là đàn ông chung tình (trường hợp bỏ vợ, hay vợ chết lấy vợ khác cũng bị loại). Người đàn ông này trong năm đó không được ăn chung bát đũa với ai, kiêng ăn thịt chó hay nội tạng động vật... Ông Nguyễn Ngọc Minh, thôn 2, xã Cẩm Hải, người được giao chăm sóc “ông voi” phục vụ cho lễ hội năm nay cho biết: “Đó là công việc rất vinh dự của đàn ông chúng tôi. “Ông voi” được tắm rửa thường xuyên, chuồng riêng với nền lát đá hoa. “Ông voi” ăn bằng chậu riêng, đồ ăn cũng đặc biệt tùy theo khẩu vị như cơm, bánh hoặc hoa quả. Mỗi tháng phải mời bác sĩ thú y đến khám sức khỏe định kỳ. Chính vì thế, dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng đến nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã, còn các gia đình nuôi “ông voi” thì lợn trong chuồng vẫn khỏe mạnh và “ông voi” nào cũng có trọng lượng từ hơn 2 đến 3 tạ”.

Ngày nay, Cẩm Hải chỉ còn khoảng 60% số hộ làm nghề chài lưới, lớp con cháu đã có nhiều cách làm ăn khác để phù hợp với sự đi lên của xã hội. Thế nhưng mỗi năm đến dịp hội làng là con cháu dù đi đâu, ở đâu cũng về tham dự hội đông đủ, để gặp mặt trên mảnh đất nơi cha ông họ một thời vượt khó bám làng giữ đất./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT