Hoạt động của ngành

Lâm Đồng: Các điểm du lịch canh nông thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 01/07/2021 16:31:06
Số lần đọc: 653
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Đây được xem là giải pháp đắc lực giúp những đơn vị này vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế công nghệ số.  

 

Không còn khách du lịch, để tiêu thụ sản phẩm, các vườn dâu du lịch canh nông tăng cường các hoạt động bán hàng online

Ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH trang trại Langbiang Farm - cà phê Green Box chia sẻ: Mảng du lịch canh nông được xem là bước chấm phá trong việc phát triển và là kênh giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của công ty. Để phát triển mảng du lịch canh nông, công ty đã bỏ bớt diện tích trồng rau, hoa để mở quán cà phê, sinh tố bán các sản phẩm an toàn đang trồng.

Theo ông Đường, du lịch canh nông của công ty dựa trên thế mạnh về nông nghiệp đã được gầy dựng, có sản phẩm nên việc bán hàng trực tiếp cho du khách là một kênh bán hàng rất tốt. Thời điểm trước dịch COVID-19 bùng phát, mỗi ngày công ty đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan mua sắm trái cây, rau tại vườn; riêng quán cà phê Green Box cũng nhiều khách, kể cả ngày thường. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát, từ tháng 5/2021 công ty phải đóng cửa dịch vụ du lịch canh nông. Vì vậy, lượng tiêu thụ và doanh thu của công ty giảm hơn 2/3 so với trước đây.

Với tổng diện tích trang trại của công ty cũng như liên kết với người dân chuyên trồng hoa, rau, củ, quả, các loại trên 27 ha, để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông sản, công ty phải tìm nhiều kênh bán hàng khác nhau ngoài kênh truyền thống là các chợ đầu mối, siêu thị như các trang mại điện tử facebook, zalo, shopee, lazada…

Còn tại Trang trại Du lịch canh nông Hoa Thắng Thịnh (TP Đà Lạt), chị Đoàn Thị Thu - Phụ trách kỹ thuật tại trang trại cũng cho biết: Thời điểm chưa có dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày trang trại đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, trải nghiệm hoạt động hái dâu tại vườn. Nhờ đó, trang trại cũng bán hàng trực tiếp từ 100 - 150 kg dâu tây cho khách tham quan.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, trang trại đã dừng mọi hoạt đón khách đến tham quan và trải nghiệm. Ước tính, mỗi ngày trang trại thu hoạch từ 300 - 400 kg dâu tây Mỹ Albions, San Andceas, Mowteceys và Portolas cùng một số sản lượng dưa lê, nho sữa Hàn Quốc. Để đảm bảo việc tiêu thụ 100% sản lượng các loại trái cây thu hoạch, bên cạnh việc tiếp tục đưa hàng qua các đơn vị đã ký kết hợp đồng như siêu thị Vinmart, Bách hóa xanh, trang trại đã tăng cường hoạt động bán hàng qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, các App …

Tương tự, những nông sản công nghệ cao của thành phố ngàn hoa Đà Lạt như: Xà lách thủy canh, cà chua, dưa chuột, su hào tím, bông atiso... cũng được anh Nguyễn Đức Huy - Giám đốc Hợp tác xã Rau thủy canh Việt (số 9C Lữ Gia, Phường 9, TP Đà Lạt) dày công chuẩn bị để cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các App.

Theo anh Huy, hiện nay xu hướng lựa chọn các sản phẩm rau, củ, quả được sản xuất trực tiếp từ nhà vườn đến bàn ăn được người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp đã khiến tâm lý người dân e ngại khi ra đường, hoặc đến các trung tâm thương mại để mua sắm. Do đó, họ đẩy mạnh hoạt động mua sắm thông qua các trang thương mại điện tử. Đối với Hợp tác xã Rau thủy canh Việt, hiện đã có hơn 500 khách hàng đang sử dụng trực tiếp sản phẩm của đơn vị thông qua các App.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối các mặt hàng nông sản của Lâm Đồng. Trong điều kiện hiện nay, việc phân phối, tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả cho cả nông dân và người mua hàng.

Tuy nhiên, dù mua hàng trực tiếp hay mua qua mạng, điều quan tâm đầu tiên của người tiêu dùng vẫn là việc kiểm soát chất lượng nông sản. Vì vậy, người trồng cần chú trọng hơn tới quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều; các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải cam kết chất lượng, giá... khi đưa sản phẩm lên kênh bán online, mới tạo được sự tin dùng từ người mua.

Mặt khác, nông sản là sản phẩm đặc thù, các yêu cầu về đóng gói, thời gian bảo quản, vận chuyển phải nhanh, nên thách thức là sự kết nối chuỗi cung ứng từ người trồng, thu mua với đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử. Chuỗi cung ứng này càng chặt chẽ bao nhiêu, sản phẩm giao tới tay người tiêu dùng càng nhanh, tươi ngon, đảm bảo chất lượng bấy nhiêu./.

Hoàng Sa - Hoàng Yến

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục