Hoạt động của ngành

Khu di tích quốc gia Xẻo Quýt: Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

Cập nhật: 08/03/2021 10:53:40
Số lần đọc: 681
Nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Long, Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Khu di tích quốc gia Xẻo Quýt từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn. Không chỉ mang những giá trị văn hóa - lịch sử cùng sự đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, Xẻo Quýt còn hấp dẫn nhờ cách làm dịch vụ du lịch bài bản, bền vững dựa vào cộng đồng...

Một góc Khu du lịch Xẻo Quýt.
Căn cứ cách mạng xưa, điểm đến hôm nay
 
Xẻo Quýt từng là vùng sình lầy, cỏ dại um tùm, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã. Cũng bởi địa hình hẻo lánh, đi lại khó khăn, từ năm 1960, Tỉnh ủy Kiến Phong khi đó (nay là Tỉnh ủy Đồng Tháp) đã chọn nơi đây là khu căn cứ để lãnh đạo phong trào cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù nằm giữa hệ thống quân sự gồm 10 đồn bốt của địch, nhờ sự ủng hộ và đi theo cách mạng của người dân, khu căn cứ của Tỉnh ủy đã hoạt động an toàn cho đến Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
 
Ngày nay, đến Xẻo Quýt, du khách có dịp khám phá khu di tích lịch sử rộng khoảng 50ha, được bao phủ bởi rừng tràm cổ thụ rộng 20ha cùng hệ động, thực vật đa dạng gồm: 170 loài thực vật với các loài tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười như đưng, sậy, năng, lác, lúa ma...; 200 loài động vật hoang dã, bò sát, trong đó có 13 loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam như cá ét mọi, trăn mốc, rắn hổ mang, điêng điểng... Hệ thống động, thực vật tại đây được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo nên quần thể thiên nhiên phong phú, đưa Xẻo Quýt trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
 
Theo con đường độc đạo dài 1,5km len lỏi dưới những tán cây hay lênh đênh trên chiếc xuồng ba lá luồn qua các con lạch nhỏ, du khách có dịp thả mình vào không gian thiên nhiên xanh mát và tìm hiểu, khám phá khu vực chiến trường xưa, được nghe những câu chuyện về cảnh sinh hoạt gian khổ của các chiến sĩ cách mạng trong những căn cứ bí mật, những ngôi lán, nhà bếp, phòng hội họp... Các hạng mục di tích này đến nay vẫn được giữ gìn nguyên vẹn để du khách cảm nhận rõ hơn về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta.
 
Sau chuyến tham quan, ông Lương Văn Mạnh, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi từng tham quan nhiều di tích lịch sử nhưng chưa thấy nơi nào giữ được khung cảnh nguyên sơ, đậm tính văn hóa - lịch sử như nơi đây. Qua chuyến đi này, tôi có dịp hiểu thêm về sự gian khổ, ý chí lạc quan của các chiến sĩ cách mạng cũng như tình người của bà con Đồng Tháp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...”.
 
Cộng đồng tham gia phát triển du lịch
 
Một đặc điểm nổi bật của Khu di tích quốc gia Xẻo Quýt là nơi đây đã được tỉnh Đồng Tháp bảo tồn, tôn tạo và phục dựng nguyên trạng các hạng mục di tích gắn với bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên môi trường. Ông Chung Văn Thanh Hùng, Giám đốc Khu di tích Xẻo Quýt cho biết, theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020, Khu di tích Xẻo Quýt được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, với mục tiêu và định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. “Những năm qua, chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách. Đặc biệt, mọi hoạt động tại đây đều hướng về người dân, trong đó có phát triển du lịch gắn với cộng đồng nhằm mang lại nguồn sinh kế bền vững cho bà con, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn văn hóa bản địa”, ông Hùng chia sẻ.
 
Đến với Khu di tích Xẻo Quýt, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân với các trải nghiệm thú vị như: Chèo xuồng ba lá, gỡ chài trên sông, câu cá hay tập đan giỏ. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã như: Cá lóc nướng trui, chuột đồng nướng lu, lươn đồng nấu chua... và đắm mình trong giai điệu đờn ca tài tử.
 
Khác với những khu di tích lịch sử cách mạng khác, Khu di tích Xẻo Quýt đã sử dụng chính cộng đồng địa phương và những nhân chứng sống để kể cho du khách nghe những câu chuyện về các sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đây. Ông Nguyễn Thanh Xuân, 85 tuổi, một trong những nhân chứng xúc động chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng chuyện tiếp tế lương thực, thuốc men, bảo vệ cán bộ cách mạng vẫn ở trong tâm trí tôi như mới ngày hôm qua. Được kể lại cho du khách những câu chuyện từng chứng kiến, tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần giữ gìn lịch sử, truyền thống cho thế hệ sau”.
 
Cách làm của Khu di tích Xẻo Quýt đã cho thấy hướng đi bài bản, bền vững. Nhờ áp dụng mô hình bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút du khách.
Nguồn: hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục