Hoạt động của ngành

Hoà Bình: Phát triển du lịch từ văn hóa bản địa

Cập nhật: 06/12/2023 11:39:40
Số lần đọc: 534
Mặc dù cái tên Đà Bắc còn khá mới lạ đối với nhiều người, tuy nhiên với những ai đã đến và trải nghiệm cuộc sống tại Đà Bắc thì sẽ vô cùng ấn tượng với nơi đây. Đà Bắc được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những dãy núi cao hùng vỹ, dòng sông êm đềm và bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm.

Đà Bắc là một huyện nằm ở khu vực phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình, có phía Bắc giáp huyện Thanh Sơn, Tân Sơn của Phú Thọ, phía Nam giáp 3 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, phía Đông giáp thành phố Hòa Bình và phía Tây giáp với các huyện Phù Yên, Vân Hồ của tỉnh Sơn La. Đà Bắc cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km.

Ở Đà Bắc, những bản làng của đồng bào còn nguyên sơ

Đà Bắc được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những dãy núi cao hùng vỹ, dòng sông êm đềm và bầu không khí trong lành mát mẻ quanh năm. Địa hình chủ yếu của huyện Đà Bắc là đồi núi với nhiều đỉnh núi cao trên 1000 mét so với mực nước biển. Khí hậu ở Đà Bắc vô cùng mát mẻ do nằm gần khu vực hồ Hòa Bình, vì vậy thời điểm mùa hè ở đây vẫn không bị ảnh hưởng bởi cái nóng oi bức.

Mặc dù cái tên Đà Bắc còn khá mới lạ đối với nhiều người, tuy nhiên với những ai đã đến và trải nghiệm cuộc sống tại Đà Bắc thì sẽ vô cùng ấn tượng với nơi đây.

Các tên làng như Bản Sưng, Đá Bia, Ké…thuộc địa phận huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là những điểm đến mới nổi gần đây, được khách nước ngoài, đặc biệt người châu Âu, rất ưa thích. Các điểm đến này đều nằm ở những thôn, bản cách thủ đô khoảng 100 cây số. Nhưng điểm đặc biệt là, hầu hết các xóm đều nằm trong những xã từng thuộc diện 135 của chính phủ, đồng nghĩa, kinh tế, cơ sở hạ tầng của huyện có khoảng cách xa với vùng lân cận. Nhưng trong khai thác du lịch, việc “đi sau" ấy lại giúp họ có cơ hội gìn giữ hoang sơ và bản sắc - thứ đang mất dần trong cơn bão khai thác du lịch quá đà ở một số địa phương hiện tại.


Du khách trải nghiệm các hoạt động hằng ngày của đồng bào dân tộc

Vì thế, du khách đến đây thường ngạc nhiên khi ở một nơi cách thủ đô chỉ khoảng 100 cây số, vẫn còn nhiều bản làng hoang sơ với những phong tục tập quán sơ khai. Ở nơi này, hầu hết các bản làng đều đang còn giữ được những nếp nhà nguyên bản: nhà sàn gỗ mái lá của người Tày, nhà vách đất mái lá của người Dao, nhà trệt mái lá của người Mường... Sự đô thị hóa chưa kịp ào tới những ngôi làng này, khiến nó tự vẽ lên sự thanh bình, thơ mộng.

Nơi đây, chỉ vài năm trước đường giao thông còn rất khó khăn, đường trải nhựa vừa về tới bản chỉ khoảng vài ba năm trước. Thậm chí có xóm internet chưa về. Vậy nên, “đi trốn" ở Sưng, Đá Bia, du khách được “ngắt kết nối" với nhịp sống hàng ngày, để hoàn toàn thả lỏng, quên đi những bộn bề cuộc sống.

Điều thú vị này khiến những bản làng nguyên sơ dọc dòng Đà Giang ngày càng nổi tiếng trong cộng đồng người ưa khám phá.

Du khách trải nghiệm đời sống của đồng bào dân tộc

Nhằm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, huyện Đà Bắc đã xây dựng Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2030, đặt trong bối cảnh hồ Hòa Bình được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Trong đó, xác định khai thác tiềm năng thiên nhiên tươi đẹp với núi non kỳ vĩ, rừng già nguyên sinh, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) là nội dung quan trọng. Huyện đã thành lập Công ty CP DLCĐ Đà Bắc, hỗ trợ giúp chuyển đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ DLCĐ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn khi chú trọng quảng bá, kết nối thị trường khách; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ du lịch của người dân Đà Bắc, phát triển DLCĐ một cách bền vững… Đến nay, huyện đã hình thành được các điểm DLCĐ mang lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách như: xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn); xóm Đá Bia, nay là xóm Đức Phong (xã Tiền Phong). Đặc biệt, bản Đá Bia là 1 trong 3 bản DLCĐ trên toàn quốc được bình chọn và nhận Giải thưởng du lịch cộng đồng Asean năm 2019.


Đá Bia (thuộc xã Tiền Phong) hiện là mô hình làm du lịch cộng đồng kiểu mẫu, được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ở ngôi làng này, chỉ có 4/70 hộ dân làm du lịch, nhưng cung cách phục vụ chuẩn mực vẫn đậm tính nguyên bản đã khiến hầu hết người đã đến muốn quay trở lại. Ở nơi này, người tham quan cảm nhận được sự nồng hậu, chân thật của những người đồng bào thiểu số nhưng vẫn có điều kiện khám phá những cánh rừng hoang sơ còn sót lại bên dòng Đà Giang, chèo kayak xuôi dòng ngắm hoàng hôn trên dòng sông huyền thoại.. Cùng đó là những món ăn đậm chất riêng của người Mường Ao Tá.

Trong khi đó, xóm Sưng (thuộc xã Cao Sơn) lại là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của người Dao Tiền: viết thư pháp, các lớp học chữ viết của người Dao, dệt vải, thêu tay,... Vì đậm tính bản địa, nên khách du lịch đến Xóm Sưng có đến 70% là nước ngoài (chủ yếu là người châu Âu: Pháp, Bỉ, Anh, Ai Len). Xóm Sưng cũng trở thành bản làng người Dao đầu tiên chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp thuần túy sang làm du lịch. Các hoạt động nông nghiệp như cấy lúa, trồng rừng, nấu ăn, bắt cá trên sông đều trở thành sản phẩm du lịch du khách yêu thích.

Xóm Ké nằm trong vịnh Hiền Lương, một nhánh hồ ở Hòa Bình, là nơi sinh sống của 112 hộ dân Mường. Điểm đến giữa bao la xanh của hồ nước và núi cao, rừng thẳm tạo nên sự thanh bình kỳ lạ. Đến xóm Ké, ngoài tận hưởng sự yên bình, không khí trong lành và những món ngon, du khách được tham gia nhiều trải nghiệm thú vị dọc sông Đà: chèo bè mảng ngắm hồ, chèo kayak, thăm những trại cá giống, thăm đền Đôi Cô linh thiêng hoặc tắm thác Suối Trạch.

Cũng từ đây, du khách có thể đạp xe hoặc đi bộ, đi xe máy sang các điểm du lịch của người Dao ở xóm Sưng hoặc bản người Mường Ao Tá ở xóm Đá Bia để lặp lại một vòng tròn hoang sơ, để tận hưởng sự thanh bình.

Những khung cảnh tuyệt đẹp của Đà Bắc

Trong vài năm trở lại đây, du lịch Đà Bắc đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giai đoạn 2015-2020 bình quân tăng 42,2%/năm; khách du lịch tăng 2,52%/năm; từ 2020 - 2022 bình quân tăng 47,6%/năm, trong đó khách du lịch tăng 18,5%/năm và chiếm tỷ trọng đáng kể trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của huyện.

Năm 2023, huyện Đà Bắc hiện có 30 cơ sở lưu trú: 18 homestay, 11 nhà nghỉ, 01 khách sạn 2 sao. Tổng số lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng ước đạt: 170.100 lượt; trong đó khách du lịch nội địa là 166.060 lượt, khách du lịch quốc tế là 4.040 lượt. Doanh thu ước đạt khoảng 80 tỷ đồng.

Huyện đang phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng đảo Sung, xã Tiền Phong trở thành điểm du lịch lòng hồ nổi tiếng, xây dựng đền thác Bờ trên lòng hồ, xây dựng tour du lịch nhiều ngày từ Hòa Bình - Pu Canh - hồ Sông Đà; hỗ trợ các xóm, bản làm du lịch tiếp tục đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách trong và ngoài nước./.

Hồng Hà

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 05/12/2023

Cùng chuyên mục