Hoạt động của ngành

Hà Giang: Bảo tồn kiến trúc truyền thống trên cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 04/04/2024 15:16:41
Số lần đọc: 535
Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích tự nhiên trên 2.356,8km2 và nằm ở độ cao trung bình từ 1.100-1.600m so với mực nước biển. Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO chính thức công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010.


Di tích Nhà Vương huyện Đồng Văn - điểm du lịch và là di tích lịch sử của Hà Giang được lợp bằng ngói âm dương truyền thống. Ảnh: Văn Phú

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của 17 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc: Mông, La Chí, Dao, Giấy, Lô Lô, Hoa, Sán Dìu... Mỗi dân tộc có một truyền thống và bản sắc văn hóa riêng biệt. Lối kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá nơi đây là nhà trình tường bằng đất có mái lợp bằng ngói âm dương kết hợp với tường rào đá vững chắc bao quanh nhằm bảo vệ ngôi nhà và ngăn chặn thú dữ, nhất là vào ban đêm. Đây là lối kiến trúc có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nhằm chống lại nhiệt độ lạnh giá của mùa đông và giữ cho không gian nhà ở được mát mẻ vào mùa hè. Nhưng lối kiến trúc truyền thống này hiện đang bị mai một dần do quá trình phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là từ khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và do thay đổi trong quá trình mở rộng, phát triển du lịch.

Hiện nay, do thời gian, tiện lợi và nguồn đất làm tường khan hiếm (do đất chủ yếu là đá hoặc đất có lẫn đá) nên các ngôi nhà trình tường bằng đất truyền thống của đồng bào các dân tộc đã được ghép bằng các tấm gỗ sa mộc hoặc được xây bằng gạch được nghiền từ bột đá và xi măng; các mái ngói âm dương truyền thống được thay bằng các tấm lợp prô xi măng hoặc bằng mái tôn. Với lối kiến trúc mới này đem lại sự tiện lợi, nhanh và giá rẻ nhưng nó lại không có khả năng chống lại cái rét khắc nghiệt của mùa đông và không giữ được nhiệt độ mát mẻ vào mùa hè. Bên cạnh đó, với lối kiến trúc mới đang dần làm mất đi hình ảnh của những mái nhà truyền thống được làm bằng đất trình tường, lợp ngói âm dương và được bao quanh bằng những hàng rào đá được xếp vững chắc của đồng bào.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có phát triển du lịch du lịch vùng cao nguyên đá. Nhưng khi cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thì những giá trị truyền thống của cao nguyên đá cần phải được giữ gìn và bảo tồn như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, hiện trạng tự nhiên của các vỉa đá, các đồi núi đá, các mạch đá và lối kiến trúc truyền thống nhà ở của đồng bào các dân tộc nơi đây... Những vấn đề này đã được các chuyên gia đề xuất, khuyến nghị và đã được các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đề xuất biện pháp bảo tồn và phát triển.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai công tác bảo tồn các kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào tại 4 huyện cao nguyên đá, nhất là mái nhà được lợp bằng ngói âm dương tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các xã và các thôn, bản tại 4 huyện cao nguyên đá. Điều đó đã giúp công tác bảo tồn lối kiến trúc truyền thống và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại các huyện cao nguyên đá. Công tác bảo tồn đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch khi tham quan, khám phá những giá trị văn hóa của lối kiến trúc xưa.

Một gia đình dân tộc Mông ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc còn giữ được kiến trúc truyền thống nhà ở có hàng rào đá kết hợp với mái lợp ngói âm dương nhưng tường nhà được ghép bằng tấm gỗ. Ảnh: Văn Phú

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng đã xúc tiến công tác bảo tồn các kiến trúc truyền thống của các di tích lịch sử trên cao nguyên đá Đồng Văn, như: Quần thể kiến trúc Nhà Vương, quần thể phố cổ huyện Đồng Văn... Những di tích này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, mà còn mang đậm nét về văn hóa kiến trúc truyền thống qua hàng nghìn năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đó chính là ý nghĩa lịch sử quan trọng mang tính đặc thù chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn và là một trong những điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu và khám phá...

Tuy nhiên, để công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, các danh lam thắng cảnh cũng như lối kiến trúc truyền thống về nhà ở của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn rất cần có một giải pháp tổng thể của các cấp, các địa phương và của các ngành chức năng để đưa ra một giải pháp mang tính khả thi. Bên cạnh đó, để bảo tồn lối kiến trúc truyền thống nhà ở của đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn thì ngoài biện pháp tuyên truyền cũng rất cần một chính sách hỗ trợ phù hợp cho đồng bào khi triển khai xây dựng nhà ở theo lối kiến trúc truyền thống.

Bên cạnh đó, để công tác bảo tồn lối kiến trúc truyền thống về nhà ở được đông đảo đồng bào đón nhận thì cần nâng cao trình độ dân trí đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với đông đảo người dân. Đó chính là hướng đi để Hà Giang đẩy mạnh công tác bảo tồn lối kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

"Để bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, rất cần sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương tại 4 huyện cao nguyên đá. Từ đó, nhằm xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống. Trước mắt, cần tập trung xây dựng lối kiến nhà ở truyền thống tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, các điểm du lịch tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn nhằm bảo tồn và tạo điểm nhấn về phát triển du lịch của địa phương" - ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cho biết.

Phạm Văn Phú

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 02/4/2024

Cùng chuyên mục