Non nước Việt Nam

Độc đáo “Vũ điệu dâng trời” của người Cơ Tu ở Quảng Nam

Cập nhật: 04/07/2019 08:53:37
Số lần đọc: 1139
Sinh sống lâu đời ở tỉnh Quảng Nam, dân tộc Cơ Tu lưu giữ một kho tàng văn hóa phong phú và đặc sắc. Trong đó, điệu múa Tân “tung Da” dá (Vũ điệu dâng trời) là một biểu trưng văn hóa phản ánh đậm nét đời sống, tinh thần của người Cơ Tu.

Trải qua quá trình dài hình thành, phát triển, điệu múa Tân “tung Da” dá như một công trình nghệ thuật được gọt dũa, chắt lọc công phu, vừa cổ kính thiêng liêng lại vừa hiện đại, sống động. Sản phẩm tinh thần này có giá trị lịch sử, văn hoá cao, mang niềm tự hào của dân tộc Cơ Tu.

Trong một số hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây - Hà Nội có sự tham gia của đồng bào Cơ Tu, điệu múa đã được các chủ thể văn hóa đến từ tỉnh Quảng Nam giới thiệu với công chúng Thủ đô. Hiện nay, điệu múa Tân “tung Da” dá phổ biến ở nhiều lễ hội của người Cơ Tu và được lưu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.

“Vũ điệu dâng trời” - điệu múa thể hiện nét văn hóa nổi bật của người Cơ Tu trong bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Điệu dân vũ gồm hai thể loại: Múa Tân tung (múa nam) và múa Da dá (múa nữ). Hai điệu múa này mang tính cộng đồng rất cao, có ý nghĩa trong việc kết nối cộng đồng cũng như góp phần cho bức tranh văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm lung linh sắc màu. Động tác múa Tân tung của đàn ông Cơ Tu với tiết tấu sinh động, thể hiện sức mạnh cường tráng, dũng mãnh, oai hùng.

Hòa điệu nhịp trống chiêng, các thanh niên Cơ Tu hú và hô lớn, bắt chước tiếng vọng thiên nhiên hoang dã, thể hiện niềm vui của cuộc sống tự do, phóng khoáng, bình yên giữa núi rừng bao la.

Một đặc trưng điệu múa  là sự kết hợp giữa múa nam và múa nữ trong một đội hình múa. Bên cạnh nhóm phụ nữ múa Da dá, những người đàn ông tham gia nhảy hội với điệu Tân tung, tạo nên một đội hình múa hoàn chỉnh mà người Cơ Tu gọi là Tân "tung Da" dá.


Đội hình múa còn có các già làng, nghệ nhân thổi tù và, khèn bè, có người đánh chiêng, gõ trống tham dự. Trong điệu vũ đi trước là nữ, đi sau là nam. Nếu múa đông người thì vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông đối với người phụ nữ Cơ Tu.

Mọi người đều múa theo một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, trong sự rộn rã của tiếng trống chiêng.

Vũ điệu Tân “tung Da” dá gắn bó người Cơ Tu bao đời nay và xuất hiện trong không gian văn hóa các lễ nghi, các lễ hội lớn của cộng đồng như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà gươl…Điệu dân vũ không thể thiếu trong đời sống của người Cơ Tu, chính là tiền đề để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT