Non nước Việt Nam

Bến nước - Biểu tượng văn hóa Tây Nguyên

Cập nhật: 02/07/2019 15:01:44
Số lần đọc: 1456
Ngoài cồng chiêng, sử thi, nhà dài…, bến nước cũng là biểu tượng văn hóa độc đáo, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng có từ ngàn xưa vẫn được duy trì đến ngày hôm nay của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ai từng đến xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) vào sáng sớm hay chiều muộn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị và em nhỏ người Êđê í ới gọi nhau xuống bến nước buôn Kmrơng Prông A và buôn Kmrơng Prông B tắm, giặt rồi gùi nước về. Tiếng người lớn trò chuyện râm ran, xen lẫn trẻ nhỏ nô đùa khiến bến nước đang im lìm giữa khu rừng như bỗng “tỉnh giấc” náo nhiệt hẳn lên.

Bến nước có từ xa xưa. Khi lập buôn, người Êđê thường chọn khu rừng đầu nguồn có nhiều cây cổ thụ bao bọc để nguồn nước được dồi dào, trong sạch chảy quanh năm. Chọn xong nơi làm bến nước, người dân chặt cây lồ ô to, đục thông các mắt, nối lại để dẫn các mạch nước chảy từ khe đất, khe núi về một địa điểm. Sau đó, họ phát dọn khu vực quanh bến và lối đi cho sạch sẽ rồi làm lễ cúng trước khi đưa vào sử dụng. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người dân tập trung dọn vệ sinh, gia cố các ống dẫn rồi làm lễ cúng để tỏ lòng biết ơn yàng (thần linh) đã ban cho nguồn nước trong mát; cầu mong yàng tiếp tục che chở cho buôn làng ấm no, khỏe mạnh.

Bến nước không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn là nơi để người dân gặp gỡ, chuyện trò, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng. Bến nước vì thế trở thành biểu tượng văn hóa vừa gần gũi vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Để bảo vệ, duy trì bến nước, mỗi buôn làng thường đặt ra những quy ước như không được xả rác bừa bãi, hay buộc trâu bò gần bến nước và nhất là không được chặt các cây đầu nguồn. Nếu ai vi phạm nhẹ sẽ bị nhắc nhở, nặng thì bị phạt rượu, gà, heo tùy mức độ. Tuy nhiên, người dân rất hiếm khi phạm phải, ai cũng có ý thức bảo vệ gìn giữ không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Nhờ vậy, trải qua hàng trăm năm, bến nước của buôn làng vẫn đêm ngày tuôn chảy dòng nước trong vắt, mát dịu. Tình yêu, sự trân quý từng giọt nước chảy từ mạch rừng thiêng đã thấm sâu vào trong tâm hồn mỗi con người Tây Nguyên. Dù ngày nay cuộc sống có đủ đầy, nhà nào cũng có giếng nước, bể chứa riêng, thậm chí có nước máy, nhưng người dân vẫn giữ nếp sinh hoạt xuống bến lấy nước về dùng. Bến nước là một phần không thể thiếu của buôn làng, là kết tinh từ trí tuệ, công sức và tình yêu của bao thế hệ ông cha đi trước…/.

 

 

Nguồn: baodaklak.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT