Điệu khèn Mông dặt dìu cao nguyên đá - Hà Giang
Tiết mục múa khèn ấn tượng tại Lễ khai mạc. Ảnh: Thủy Lê
Truyền thuyết về khèn Mông
Trong truyền thuyết truyền miệng của người Mông, nguồn gốc chiếc khèn được kể về một gia đình có 6 người con, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Khi cùng nhau thổi, tiếng sáo cất lên vi vút như cây rừng gặp gió, véo von như chim trên cành và rì rào như suối reo, ào ạt như thác đổ. Đến khi họ đều có gia đình, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo trở nên rời rạc, lạc điệu. Họ đã bàn nhau chế tác ra thứ nhạc cụ hợp nhất nhiều thứ. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, thay cho 6 anh em. Lạ thay, thứ nhạc cụ lạ lùng ấy khi hoàn thiện, thổi lên tạo ra nhiều tầng âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ... Đó là chiếc khèn Mông ngày nay.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ: Trong cộng đồng người Mông, cùng với thầy cúng, thợ rèn, người làm khèn Mông - thầy khèn luôn được đồng bào kính trọng. Điều đó đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông. Đây chính là nguồn cội tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ độc đáo này.
Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau: trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin..., tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt. Người Mông sử dụng khèn để đệm hát trong những ngày lễ truyền thống, cho người hát các bài dân ca, có khi bắt nhịp cho các vũ điệu mạnh mẽ, sử dụng trong những ngày vui.
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp gió gửi lời yêu của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà nó còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với những giai điệu khèn hay kết hợp với những động tác múa khèn điêu luyện sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái.
Trải qua thời gian, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đâu đó ở những bản người Mông đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại, nhưng người Mông vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc Mông. Tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây khèn vẫn vậy, tiếng khèn tìm bạn của những chàng trai Mông hôm nay vẫn khiến các cô gái khi nghe phải say đắm, nể phục mà những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của biết bao du khách từng đến với miền cao nguyên đá.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Mới đây, UBND huyện Đồng Văn đã tổ chức Lễ bế mạc Lễ hội khèn Mông lần thứ IX, năm 2024, với các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn như: Hội thi khèn, thi chim họa mi, thi xếp bờ rào đá, thi các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, thi trình diễn trang phục truyền thống, thi dệt vải lanh và thi các môn thể dục - thể thao của đồng bào các dân tộc. Cùng với đó, Ban Tổ chức còn trưng bày không gian văn hóa tại các gian hàng, giới thiệu sản phẩm ẩm thực địa phương, giới thiệu các hoạt động trong đời sống văn hóa đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Phụ nữ Mông trình diễn các công đoạn dệt vải lanh tại lễ hội. Ảnh: Thủy Lê
Tại Lễ khai mạc, diễn ra chương trình diễu hành đường phố với 26 đội thi đến từ các xã, thị trấn và đơn vị trường học trên địa bàn huyện; chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tiếng khèn trên mây” gồm 3 phần: Huyền tích thanh âm nguồn cội, tình đá và rực rỡ ngày hội cao nguyên. Tại sự kiện, các đại biểu và du khách được đắm chìm trong không gian văn hóa các dân tộc, thưởng thức chương trình nghệ thuật; tìm hiểu sự tích cây khèn Mông, thưởng thức tiếng khèn Mông do các nghệ nhân lâu năm biểu diễn; nghe các tác phẩm ca ngợi về mảnh đất, con người Hà Giang và thưởng thức màn trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc. Lễ hội năm nay còn có sự góp mặt các tiết mục của hai huyện Malypho và Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Một du khách đến từ Bồ Đào Nha chia sẻ: “Lễ hội khèn ở đây thật tuyệt. Tôi rất ấn tượng với những người đàn ông vừa nhảy múa, vừa chơi nhạc cụ truyền thống. Tất cả tạo nên một lễ hội đặc sắc, hấp dẫn trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và tôi chắc chắn sẽ trở lại nơi này vào năm sau”.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa các dân tộc. Lượng khách đến với Hà Giang tăng nhanh theo từng năm. Nếu năm 2022 đạt 2 triệu 268 nghìn lượt khách, thì năm 2023 đạt trên 3 triệu lượt khách. Đặc biệt, Hà Giang vừa vinh dự được đề cử tại hạng mục: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) bình chọn; trước đó, Hà Giang cũng vinh dự được Tạp chí New York Times bình chọn, xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá trong năm 2023.
Festival khèn Mông Hà Giang lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh vào năm 2011. Năm 2015, nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2024 là năm thứ IX huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội khèn Mông với quy mô cấp huyện. Có thể nói, Lễ hội khèn Mông là sự kiện đặc sắc, thể hiện tinh hoa văn hóa, ẩm thực của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa Hà Giang với các tỉnh, thành, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên cả nước; mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch bền vững, góp phần không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam.
Thủy Lê