Tin tức - Sự kiện

Đền Hùng (Phú Thọ): Nơi khởi nguồn cho giá trị đạo đức gắn kết xã hội

Cập nhật: 15/11/2019 10:30:14
Số lần đọc: 909
Truyền thuyết dân gian đất Phong Châu nhiều nghìn năm qua vẫn liền mạch lưu truyền về sự hiện tồn của 18 đời vua Hùng, trong đó, vị Vua Hùng đầu tiên đã có công dựng ra nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử hình thành của cộng đồng Việt Mường - và sau đó là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Nếu như trên vùng đất Phong Châu cổ xưa, núi thiêng Nghĩa Lĩnh trở thành biểu tượng trung tâm khởi nguồn và quy tụ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng thì với người Việt - Mường xưa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà đỉnh cao là biểu tượng tín ngưỡng thờ các vua Hùng, lại lan tỏa từ trung tâm Kinh đô Văn Lang để đến với mọi gia đình tại khắp các làng bản. 

Dường như, không nơi đâu như vùng đất Văn Lang này, người dân đã “bình dân hóa” hình tượng các Đức Vua, đón vong linh các Đức Vua (bài vị) về phối thờ trên cùng ban thờ Tổ tiên của dòng họ mình, gia đình mình, tạo ra sự gần gũi thường nhật, can dự vào mọi hành vi, hoạt động của con người trên bước đường làm ăn, đấu tranh sinh tồn qua hàng nghìn năm lịch sử. Chính từ không gian văn hóa liên thông này, trong tâm thức bao đời, ý thức dân tộc và ý thức lịch sử, sự quý trọng vĩ nhân và ước nguyện cộng đồng, trong tư duy văn hóa người dân qua hàng nghìn năm, luôn luôn hòa quyện, phối nhập một cách hồn nhiên, hình thành nên một lẽ sống, một đạo lý tri ân, mang tính truyền thống đối với các bậc tiền nhân của cộng đồng dân tộc, bất chấp mọi thăng trầm của lịch sử và thời gian xô đẩy. Cũng bởi vậy, dõi theo suốt dọc dài lịch sử, với người Việt Nam, một cá nhân, dù công lao có lớn lao đến mấy, muốn tồn tại trong tâm thức dân gian, tất phải hóa thân vào cộng đồng, lấy cộng đồng làm gốc để tạo đà sinh ra các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức mang tính chuẩn mực, được đời đời vinh danh.

Xuất phát từ thực trạng được nêu ra, có thể thấy rằng, ngay từ chặng khởi nguồn, những tín ngưỡng sơ khai thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại các Vua Hùng, đã bắt nguồn từ tục thờ cúng tổ tiên của cư dân Việt - Mường, thể hiện sự nối kết tâm thức tri ân lớp người khai sáng cho gia đình, dòng tộc và cao hơn cả là tri ân những người có công khai phá, tạo lập cộng đồng, vượt qua mọi thử thách của tự nhiên khắc nghiệt và các thế lực ngoại xâm, đặt nền móng cho sự liên kết sức mạnh cộng đồng, vươn tới đỉnh cao là ý thức tự hào và tâm nguyện củng cố - bảo vệ một quốc gia, một dân tộc. Trải qua tiến trình vận động, biến đổi của lịch sử, nhận thức về lịch sử, về vị thế của đất - nước, nơi tụ cư của cộng đồng, dần dần được nâng cao. Những bài học về sự thành - bại, được - mất trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội đã là những cơ sở cốt lõi giúp cho cộng đồng đúc kết nên những kinh nghiệm - chuẩn mực sinh tồn, gìn giữ và khai thác những yếu tố đắc dụng và loại trừ những thành tố khả biến ngáng trở, đặng phục vụ hữu ích cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng trước mọi nguy cơ, thách đố của lịch sử. 

Và như vậy, ngay từ những niên kỷ đầu tiên sau thời đại các vua Hùng, tín ngưỡng tri ân, tôn vinh các thế hệ tiền nhân được thể hiện qua hàng loạt hành vi thực hành nghi lễ, lễ hội trong hàng loạt cộng đồng làng/xóm đã xác lập và tô đậm thành thói quen những hoạt động đời thường, theo những chuẩn mực văn hóa - xã hội được cộng đồng chấp thuận, duy trì, từ thế hệ này đến thế hệ khác.  

Lần trở về cội nguồn, có thể phác qua đôi nét về ý niệm gia đình ra đời trên nền tảng văn hoá thời dựng nước. Vén lên bức sương mù huyền thoại, bóng dáng của một xã hội Tiền Văn Lang được gắn với một hệ thống truyền thuyết kỳ ảo nhưng rất đặc biệt của người Việt ta thuở sơ khai từ thời các Vua Hùng. Câu chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai và sau đó là cuộc phân ly để năm mươi người con lên rừng và năm mươi người con xuống biển chính là bóng dáng của lịch sử những tháng năm con người có nhu cầu mở mang địa bàn sinh sống với một thứ quan hệ huyết thống, có vai trò tạo ra cơ sở cho sự cố kết cộng đồng. Lòng tự hào về nòi giống con Rồng cháu Tiên và ý nghĩa của hai tiếng “đồng bào” (sinh cùng một bọc) đã là cội nguồn giữ gìn và bảo vệ mối đoàn kết cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam sau này. 

Căn cứ trên cứ liệu khảo cổ, dân tộc học và văn chương dân gian, có thể phác qua những nét “gia phong” dường như đã được phôi thai và dần định hình từ thời đại Hùng Vương, để rồi, tạo đà khởi nguồn cho những chuẩn mực mang giá trị đạo đức, có ý nghĩa giáo dục, quy tụ, điều chỉnh và vận hành cho mọi hành vi của các thế hệ hậu sinh, trong những cộng đồng làng/bản nhất định. Đó là: Giáo dục con cái cần cù, chịu khó lao động; nhắc nhở con cháu học nghề, giữ nghề và luyện tay nghề; động viên con cháu hy sinh vì cộng đồng, tham gia đánh giặc ngoại xâm; quý trọng láng giềng, đoàn kết với người cùng cảnh ngộ; giữ dòng máu huyết thống của Bố Rồng - Mẹ Tiên; có thứ bậc trong gia đình, cần coi trọng và tuân theo luật lệ đặt ra; tuân theo khối đoàn kết thống nhất của cộng đồng xã hội trong quá trình khai phá đất đai canh tác, làm thuỷ lợi, chống lũ lụt và chống ngoại xâm. Giữ trọn tình yêu thương bố mẹ, tình nghĩa anh em, xóm làng,…

Từ những cứ liệu khoa học chính xác, đích thực (khảo cổ học) cùng các cứ liệu phong tục, nghi lễ (dân tộc học) và văn chương dân gian, nảy sinh từ thời đại vua Hùng (hoặc phản ánh về thời đại đó), đã cho phép chúng ta nhận diện bước đầu: Gia đình các thế hệ người Việt - Mường thời các vua Hùng được hình thành và tồn tại trong một không gian văn hoá đặc sắc là trung du và châu thổ Bắc Bộ, qua thử thách và va đập với các mối quan hệ tự nhiên - xã hội, đã dần định hình được một nếp sống và phong cách sống tương ứng, phù hợp để tồn tại và phát triển. Những phẩm chất văn hoá qua lối sống đó trong lịch sử đã tạo ra những chuẩn mực văn hóa sơ khai cho nét tính cách của người Việt cổ xưa, biết thính nhạy với mọi ứng xử quan hệ để vươn lên cùng tồn tại. Điều đó, theo nhìn nhận của lớp người đương đại, là cốt lõi bản địa của một thứ “gia phong” sâu rễ bền gốc, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của gia đình người Việt thuở ban đầu dựng nước và giữ nước, hình thành nên những nét truyền thống quý báu, định hình như những hệ thống giá trị văn hóa bền vững, được truyền lại cho đời sau học tập, gìn giữ, noi theo. Minh giải bởi sắc thái “gia phong” được xác lập như những chuẩn mực mang giá trị văn hóa có cội rễ từ rất sớm này, chúng ta mới có thể góp phần lý giải cho hàng nghìn năm lịch sử về sau, người Việt vẫn giữ được nếp sống bản địa mang giá trị đạo đức với sắc thái riêng của mình, chống mọi tư tưởng đồng hoá và thống trị về văn hoá của các thế lực ngoại xâm phương Bắc và phương Tây.

Và như vậy, nếu như đặc trưng của nền văn hóa Việt lúa nước là văn hóa làng, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã xác lập được giá trị khâu nối, liên kết sức sống của văn hóa làng trong không gian văn hóa cộng đồng quốc gia đa dân tộc, trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Giá trị liên kết cộng đồng đó đã là hạt nhân tạo ra sức mạnh cho khối đoàn kết đại dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử, được các triều đại quân chủ phong kiến khai thác, tô đắp và nâng cao thành các thiết chế văn hóa - chính trị, trở thành sợi dây thiêng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc để tạo ra giá trị đạo đức chung cho ý thức cộng đồng và tinh thần đoàn kết bền vững mang bản sắc Việt Nam./.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT