Hoạt động của ngành

Đắk Nông mời gọi du khách trải nghiệm văn hóa thổ cẩm và chiêm ngưỡng công viên địa chất toàn cầu

Cập nhật: 11/11/2020 08:49:04
Số lần đọc: 758
(TITC) – Sáng ngày 10/11/2020, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020 và đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã đến dự buổi họp báo.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi họp báo 

Tiếp nối thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, tỉnh Đắk Nông tiếp tục tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh Đắk Nông với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú nhiều màu sắc, tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, tạo không gian giao lưu văn hóa các dân tộc, các vùng, miền trong cả nước.

Trước tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trong nước và tỉnh Đắk Nông là một trong những tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác chống dịch, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch và xúc tiến đầu tư năm 2020.

Toàn cảnh buổi họp báo

Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Với chủ đề “Lễ hội văn hóa và du lịch - Tinh hoa Phương Đông”, lễ hội được tổ chức với sự tham gia của 14 địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và Đắk Nông).

Các đại biểu dự buổi họp báo

Diễn ra từ ngày 24-29/11/2020, sự kiện có một chuỗi hoạt động chính, gồm: Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II-2020 (tối ngày 24/11) và Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; Thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Trình diễn “Fashion Show - Thổ cẩm”; Lễ bế mạc không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam (tối ngày 29/11); Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020. Trong chuỗi hoạt động còn có các sự kiện tiêu biểu như: Bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2020 tại tỉnh Đắk Nông; lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu...

Các hoạt động sẽ diễn ra tại Khu Đảo Nổi, Hồ Gia Nghĩa, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông và tại một số điểm danh lam thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, với sự kiện Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu đã góp phần định vị giá trị và đẳng cấp toàn cầu về du lịch cho tỉnh Đắk Nông. Tỉnh đang và sẽ khai thác các giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, văn hóa truyền thống đặc trưng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các giá trị địa chất và văn hóa đặc sắc đó, tỉnh Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến, hình thành 3 tuyến du lịch với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu”. Đây được xem là sản phẩm giữ vai trò chủ đạo, mang tính độc đáo, riêng biệt, thu hút du khách khám phá, tìm tòi, nghiên cứu những giá trị độc đáo của vùng đất Đắk Nông.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang rà soát các điểm tiêu biểu trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham quan các quầy trưng bày thổ cẩm

Bên cạnh gắn với yếu tố thiên nhiên, sản phẩm du lịch còn hướng đến các hoạt động trải nghiệm của khách du lịch về những nét văn hóa độc đáo, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, hát Sử thi Ót N’drong, dân ca Nau M’pring, xem các nghệ nhân trình diễn đàn đá, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống…, thưởng thức những món ăn đặc sản truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.

Hoa văn thổ cẩm nhiều màu sắc, bắt mắt

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục